Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: 2024 là năm tạo dựng cơ sở, hướng tới nâng hạng thị trường

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế…

Sáng ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết: “Trong năm 2023, thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế”.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong năm 2023 vẫn có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán.

Song song với đó, ngành chứng khoán đã quyết liệt đề ra và triển khai các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán trong năm vừa qua. Cụ thể, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tạo định hướng cho sự phát triển trong trung và dài hạn của thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Giao dịch chứng khoán trong tăng cường giám sát đối với thị trường, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát; tổ chức thanh kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chứng khoán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường.

Nhìn chung, trong năm 2023, với bối cảnh môi trường kinh tế quốc tế và trong nước, nội tại của thị trường chứng khoán còn gặp nhiều nhiều khó khăn, thách thức. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán cũng chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế nhưng đã chứng kiến sự phục hồi tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực, làm tốt vai trò kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

Do vậy, ngành chứng khoán dự kiến triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để làm tốt các công tác sau: Quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; quản lý điều hành thị trường chứng khoán đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế.

Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính…

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng để đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: 2024 là năm tạo dựng cơ sở, hướng tới nâng hạng thị trường

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày tham luận tại hội nghị

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; qua đó, hỗ trợ sự phát triển của thị trường chứng khoán, tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc ngân hàng BIDV đã đưa ra những kiến nghị nhằm khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh, thông qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam, bao gồm: Hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông và khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh.

Tin liên quan