Nỗi lo khó kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử

Trong thời đại thương mại điện tử phát triển, các sàn thương mại điện tử hay các mạng xã hội đang là mảnh đất màu mỡ để nhiều cá nhân lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc...
 

Hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phổ biến ở rất nhiều phân khúc của thị trường.

NHỨC NHỐI VẤN NẠN HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI

Với vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong năm 2023, Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.676 vụ việc, xử lý 9.246 vụ việc, phạt hành chính 92,5 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm đạt trên 118,3 tỷ đồng.

Tính riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 5 tỷ đồng.

Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online trên các nền tảng thương mại điện tử, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đơn cử, ngày 23/12/2023, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên livestream bán hàng kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.

Ngay sau đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 126.603 sản phẩm thuộc 242 chủng loại hàng hóa các loại gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất.

mailystyle-8876.jpeg
Kho hàng của MailyStyle

Đa phần các hàng hóa tại kho là các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada...

Số hàng hoá trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của hàng hóa. Trị giá hàng hóa vi phạm xác định 20,1 tỷ đồng.

Qua xác minh, đoàn kiểm tra xác định trong số 242 danh mục sản phẩm hàng hóa đang tạm giữ có 43 mặt hàng đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.

Thông qua tài khoản cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh đã sử dụng website thương mại điện tại địa chỉ mailystyle.com để thực hiện kinh doanh, bán hàng hóa nhưng không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Đồng thời, đăng ảnh chụp, livestream sản phẩm nhằm mục đích chốt đơn bán hàng trên mạng xã hội Tiktok và sàn thương mại điện tử Shopee. Tính đến thời điểm kiểm tra, số lượng hàng hóa đã bán và giao dịch thành công có giá trị là 14,1 tỷ đồng.

Ngày 23/2/2024, Đội Quản lý thị trường số 11 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tạm giữ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định.

Một bài chia sẻ rất chi tiết về trải nghiệm mua hàng giả trên hội nhóm

Một bài chia sẻ rất chi tiết về trải nghiệm mua hàng giả trên hội nhóm

Bên cạnh những nỗ lực phát hiện của cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cũng có thể trở thành "chiến binh" ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử.

Khảo sát trên 1 hội nhóm về những shop lừa đảo cần tránh, rất nhiều bài chia sẻ về trải nghiệm mua hàng được công khai để cảnh báo cho mọi người trong cộng đồng. Các mặt hàng được chia sẻ cũng rất đa dạng như mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo, giày, dép...

Đa số các bài đăng đều thông tin về các shop bán hàng không chất lượng, có dấu hiệu hàng giả. Một số người có kiến thức về sản phẩm sẽ đăng bài phân tích sự khác biệt giữa hàng giả và hàng thật cho mọi người nhận biết và phòng tránh.

GẦN 90% HÀNG GIẢ MUA BÁN TRÊN MẠNG

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80 - 90% hàng giả được mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều.

Hình thức làm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi, đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hóa phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí…

Sản phẩm nhái, giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt nếu không có hàng thật đối chứng. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài bị nhập lậu, trốn thuế và bán với giá chỉ bằng 1/2 giá hàng nhập khẩu chính thức.

Tình trạng này đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu, doanh thu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và xâm phạm quyền lợi chính đáng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái có “đất sống” trên môi trường điện tử. Thứ nhất, vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online).

Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả.

Thứ hai, một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua hàng rẻ trên mạng. Thứ ba, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công an, hải quan, y tế.

Thứ tư, trang thiết bị, công cụ phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hàng nhái, hàng giả rất lớn. Vì vậy, người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp, sản xuất hàng giả để thu lợi bất chính.

Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ nên khi bị phát hiện ở một khâu, một công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ.

Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi, khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng.

Tại diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục quản lý thị trường cho biết, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái thời gian tới còn vô cùng khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, trên môi trường thương mại điện tử, các đối tượng ngày càng am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng.

CÁC DOANH NGHIỆP ĐANG LÀM GÌ?

Trước tình trạng nhức nhối của hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để phân biệt hàng thật của công ty với hàng giả được bày bán trên mạng.

Là một công ty có tiếng lâu đời, Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn có đội ngũ theo dõi các tổ chức, cá nhân kinh doanh Nón Sơn giả trên thị trường để báo cáo với lực lượng chức năng xử lý.

Hiện nay, Nón Sơn giả chủ yếu bán ở kênh online, ít phát hiện ở các cửa hàng truyền thống như trước.

Mỗi năm, thương hiệu Nón Sơn phối hợp với cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả Nón Sơn trên nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tiêu biểu có vụ việc số lượng tang vật lên đến hơn 30.000 sản phẩm, trị giá 38 tỷ đồng.

Để phân biệt Nón Sơn thật – giả, người tiêu dùng có thể quét mã QR, sản phẩm thật sẽ đưa đến trang chủ của website Nón Sơn.

Người tiêu dùng cũng có thể dùng 1 miếng nam châm để kiểm tra. Theo đó, với nón thật sẽ không bị hút do nguyên liệu dùng bằng đồng và các chất chống rỉ sét trong khi nón giả dùng nguyên liệu sắt nên hút nam châm.

Ông Phan Thanh Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần NPOIL cho biết, hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp và trong đó có NPOIL.

Hàng giả thì rất khó để phân biệt và phát hiện. Do vậy, công ty đã thực hiện triển khai các công tác tuyên truyền, marketing để chống hàng giả, thay đổi mẫu mã, đồng thời ứng dụng các công nghệ chống giả lên sản phẩm để ngăn chặn hàng giả cho sản phẩm.

Đối với các gian hàng của công ty trên thương mại điện tử, ông Thảo cũng cho biết công ty đã triển khai đăng kí các gian hàng Mall và cung cấp các giấy tờ chứng minh chất lượng để người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm.

Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp trong việc chống giả trên môi trường thương mại điện tử, ông Mai Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh Khuê Watch, Tập đoàn Bitex Group cho biết, công ty của ông đã và đang áp dụng tem bảo hành với công nghệ chống giả đặc biệt, có thể ngăn chặn hàng giả một cách hiệu quả, nhất là các sản phẩm tham gia trên sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, với vai trò là công ty in tem chống hàng giả, Vina CHG rất quan tâm đến việc nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm tem nhằm nâng cao khả năng chống nạn bao bì giả, hàng giả, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Vina CHG, hiện nhiều doanh nghiệp khách hàng của công ty đã áp dụng phương thức chống giả trên bao bì. Đây là phương pháp mới có hiệu quả chống làm giả rất tốt và đặc biệt giúp doanh nghiệp kiểm soát sản phẩm khi lưu hành nhờ vào tích hợp nền tảng số.