Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải trả lời dứt khoát việc tăng giá vé máy bay

Sau khi Cục Hàng không Việt Nam đưa ra báo cáo về giá vé máy bay tăng trong thời gian qua, vấn đề này lại được đưa ra bàn luận trong phiên họp mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Tại phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã nêu vấn đề về việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua.

Cụ thể, giá vé máy bay tăng cao khiến tình trạng người dân từ TP.HCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan, rồi bay từ Thái Lan về Hà Nội đã diễn ra nhiều tháng nay. Tuy nhiên, báo cáo của Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, giá vé máy bay vừa qua tăng cao nhưng vẫn nằm trong khung giá, chưa kịch trần.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính phải trả lời dứt khoát việc giá vé còn tăng kịch trần nữa không và đến bao giờ thì giá vé kịch trần để không tăng nữa. Đồng thời, việc giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, du lịch.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng không đánh giá giá vé máy bay của Việt Nam và thị trường quốc tế.

Theo đó, so với một số đường bay của các nước, vé của Vietnam Airlines giai đoạn vừa qua trung bình là 0,08 - 0,12 USD/km. Mức này thấp hơn một số chặng của các nước như đường bay Phuket là 0,1 - 0,29 USD/km, đường bay Thượng Hải đi Quảng Châu (Trung Quốc) là 0,27 - 0,3 USD/km.

Về mức tăng, bình quân của Vietnam Airlines so với cùng kỳ tăng từ 14 - 20% trên các đường bay.

Về nguyên nhân, ông Huy đưa ra 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất do giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá . Hiện, các chi phí này chiếm 65 - 70% trong cơ cấu giá vé.

Thứ hai là trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đội bay có 33 máy bay chủ yếu là A321 và A320 phải tạm dừng để kiểm tra, khắc phục động cơ. Việc này bắt buộc các hãng hàng không phải thuê cả máy bay, phi công và tàu bay nên chi phí đều tăng cao.

Thứ ba là do nhu cầu đi lại dịp lễ 30/4 – 1/5 lên rất cao. Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, giá vé máy bay nếu mua trước sớm từ 1 - 2 tháng sẽ giảm so với mức bình quân, mua càng sát ngày giá vé càng cao.

Thứ tư là chính sách vé, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa nhận, đối với đường bay Thái Lan như Phó chủ tịch Quốc hội nói là rất đúng. Thái Lan vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không (phí cất hạ cánh và điều hành bay đều giảm về 0) để kích cầu du lịch.

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cũng như Hiệp hội Vận tải hàng không châu Á, xu hướng giá vé máy bay trên thế giới thời gian tới tiếp tục tăng cao.

Để kiểm soát giá vé, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các hãng hàng không rà soát lại toàn bộ chi phí kê khai giá, tăng chuyến bay về đêm và sử dụng máy bay thân rộng khi thiếu tàu thân hẹp.

Máy bay thân rộng đảm bảo nhu cầu đi lại thì chi phí tăng cao vì chỉ thích hợp với tầm bay từ 5.000km trở lên. Do vậy, máy bay thân hẹp là hiệu quả nhất nhưng vì thiếu nên phải bay máy bay thân rộng, chi phí có thể tăng cao.

Về vấn đề giá vé máy bay tăng có ảnh hưởng du lịch không, ông Huy khẳng định có ảnh hưởng đến du lịch.

Bộ Giao thông vận tải đã tăng cường mở các loại tàu và khai thác các chuyến tàu mới. Ví dụ, Hà Nội mở tuyến SE19, SE20 phục vụ chặng Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM vừa qua khai thác tàu SE21, SE22 chất lượng cao chạy từ TP.HCM đến Đà Nẵng. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, để giải quyết trong tình trạng khan hiếm máy bay thân hẹp.

Đối với vận tải hành khách, ở cự ly dưới 1.000km, đường sắt vẫn là chi phí hợp lý nhất, còn thị phần trên 1.000km mới là hàng không.

Hiện nay, Bộ đã đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có và đầu tư các tuyến đường sắt mới, để về lâu dài tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách bền vững, hợp lý nhất.

Tin liên quan