Trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng miếng thay vì 1 phiên như trước để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế.
Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 trong khuôn khổ Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/5/2024, sự quan tâm đổ dồn vào thị trường vàng, đặc biệt lo ngại về sự “nhảy múa” của giá vàng.
“Giá vàng nhảy múa vừa rồi thì công tác quản lý thế nào? Không lẽ cứ để nó nhảy múa như thế? Tôi chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng giảm đột biến như thế”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đặt vấn đề.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng giá vàng chưa bao giờ giá vàng trong nước cao và chênh lệch với giá vàng thế giới quá lớn như hiện nay. Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng, “có “bàn tay” của Nhà nước can thiệp vào thị trường”.
Cũng có ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành “thị trường ngầm” (giao dịch mà không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước) về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát.
Sẽ tiếp tục tăng nguồn cung vàng ra thị trường
Giải trình về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trước năm 2012, những bất cập của thị trường đặt ra yêu cầu cấp thiết phải ban hành quy định mới. Trên cơ sở đó, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã ra đời. Sau khi triển khai các biện pháp quản lý thị trường vàng theo nghị định này, thị trường vàng đã tương đối ổn định.
Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, cụ thể là từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia tiếp tục phát sinh và leo thang dẫn đến giá vàng quốc tế tăng mạnh, kéo giá vàng trong nước tăng theo. Đặc biệt, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ sự hạn chế, cụ thể là chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước với giá vàng quốc tế thường xuyên giữ ở mức cao.
Nguyên nhân là do giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Đến hôm nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 14% so với đầu năm; trong nước, giá vàng cũng tiếp tục tăng theo giá thế giới. Ngoài ra, nguồn cung trong nước hạn chế khiến giá vàng trong nước ở mức chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trước mắt, vì thiếu nguồn cung nên sẽ tiếp tục tăng cung cho thị trường. NHNN tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng phù hợp. Trong tuần này, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng miếng thay vì 1 phiên như trước để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế.
Về các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường, NHNN đã chỉ đạo đối với các chi nhánh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật như hóa đơn chứng từ về thanh toán, kiểm soát các giao dịch mua bán theo đúng quy định...
Ngoài ra, NHNN cũng phối hợp cùng các bộ, ban, ngành kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
“Tìm được bệnh mới có thuốc”
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, vàng là một hàng hóa đặc biệt, liên thông tới thị trường ngoại tệ, liên quan rất lớn với điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Phó Thủ tướng, giá vàng trước năm 2012 còn “nhảy múa” hơn nữa. Lúc đó có 8 thương hiệu vàng miếng, các doanh nghiệp được nhập vàng miếng, nhưng vì giữa cung và cầu niêm yết giá theo thị trường rất phức tạp, do đó Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ra đời.
Sau khi Nghị định có hiệu lực, 8 thương hiệu này không được sản xuất, không được nhập. Lúc đó, Nhà nước độc quyền, NHNN chịu trách nhiệm nhập vàng nguyên liệu, nhập khi có nhu cầu cần thiết. Về chủng loại, hiện nay chủ yếu là vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ và vàng khác.
Tuy nhiên, ở thời điểm trước, trong 8 thương hiệu vàng, SJC chiếm 90%, lượng vàng này đã được bán ra và nằm trong dân. Do đó, “chúng ta nói vàng SJC nhưng độc quyền là độc quyền Nhà nước, còn các doanh nghiệp hiện nay và ngân hàng chỉ kinh doanh mà có điều kiện rất chặt chẽ”, Phó Thủ tướng phân tích.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thêm, trạng thái thanh toán vàng nói chung trong ngân hàng hiện nay hầu như chống được “vàng hóa” của nền kinh tế. Tuy nhiên, vừa rồi tình hình có biến động, thậm chí biến động rất lớn, giá cao hơn giá thế giới so với giá quy đổi và chênh lệch giữa giá mua, giá bán vàng miếng cao nhất. Có những thời điểm mức chênh lên 18 - 19 triệu đồng, do vậy đòi hỏi phải có quản lý. Ví dụ, cần thực hiện nghiêm việc phát hành hóa đơn mỗi lần mua/bán, không dồn lại cuối ngày mới phát hành.
“Việc này giao Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thành trong quý II”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với thị trường vàng, như ngoài 22 ngân hàng đầu mối còn có 16 đầu mối khác đủ điều kiện kinh doanh được ngân hàng cấp phép niêm yết giá, vậy liệu có tình trạng thổi giá, thao túng giá hay không? Tại các đợt đấu thầu vàng miếng để tăng nguồn cung vừa qua cũng chỉ có 1 số đối tượng tham gia, như vậy nhu cầu có thật hay không?...
“Phải đánh giá kỹ, phải bình tĩnh, phải tìm được giải pháp, tìm được bệnh mới có thuốc. Chúng tôi đang rất tích cực”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.
Cho biết “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức đau đầu về vấn đề này”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sẽ tiếp tục tổ chức họp với NHNN để tìm giải pháp, sau khi đánh giá tình hình sẽ giao cho thanh tra chuyên ngành phải thanh tra ngay những đầu mối lớn. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, kể cả các cửa khẩu cũng phải kiểm soát, nếu vi phạm chuyển cho Bộ Công an xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước; tăng 17,01% so với tháng 12/2023; tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.
Ngày 10/5, giá vàng trong nước lập kỷ lục mới khi vượt mốc 92 triệu đồng/lượng.
Phiên giao dịch sáng 13/5, giá vàng miếng SJC giảm mạnh hơn 3 triệu đồng, sau đó phục hồi nhẹ ở phiên chiều và đóng cửa ngày 13/5 ở mốc 90 triệu đồng/lượng. Đến sáng nay (14/5), các doanh nghiệp vàng trong nước một lần nữa giảm giá đối với mặt hàng này, kéo giá bán ra lùi sâu khỏi ngưỡng 90 triệu đồng/lượng.
Cũng trong sáng nay, NHNN tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC, tổng khối lượng vàng miếng được đấu thầu vẫn là 16.800 lượng.
Kết quả, đã đấu thầu thành công 81 lô tương đương 8.100 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 8 thành viên. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.