So găng khả năng kiếm tiền của hai “ông lớn” ngành bia

Năm 2024 sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội cho ngành bia Việt Nam nhờ lợi thế dân số vàng, thu nhập tăng mạnh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu...
 

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của Sabeco và Habeco đã cho thấy ngành bia đang đón nhận những tín hiệu phục hồi. Thực tế, xu hướng khởi sắc của ngành bia đến một phần từ hiệu ứng của các sự kiện thể thao lớn như Euro, Copa America và Olympic 2024. Nhưng cũng vì vậy, khi các sự kiện này qua đi, triển vọng cho các tháng còn lại vẫn bỏ ngỏ.

SABECO VÀ HABECO - AI GIÀU HƠN?

Trong quý 2/2024, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán: SAB) ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 3% so với cùng kỳ xuống 8.086 tỷ đồng. Tốc độ tăng chi phí giá vốn thay đổi không đáng kể giúp công ty thu về 2.440 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Công ty cho biết do ảnh hưởng của Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tiếp tục tác động đến đà tiêu dùng khiến doanh thu giảm. Trong kỳ, hoạt động tài chính cũng diễn biến tiêu cực chỉ mang về hơn 266 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ, do giảm thu nhập từ lãi tiền gửi. Tại ngày 30/06/2024, công ty có gần 23.4 ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng, tăng thêm 542 tỷ đồng so với đầu năm.

Chưa hết, phần lãi từ các công ty liên doanh liên kết thấp hơn 64% so với cùng kỳ về dưới 28 tỷ đồng.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt giúp Sabeco báo lãi sau thuế tăng 9% so với cùng kỳ lên 1.319 tỷ đồng là nhờ tiết giảm được một số chi phí hoạt động. Trong đó, khoản lớn nhất chính là chi phí quảng cáo và khuyến mại, ước tính khoảng 583 tỷ đồng, giảm 21% so với quý 2/2023. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất mà Sabeco ghi nhận kể từ quý 3/2022 với con số gần 1.400 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.270 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với con số 14.526 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.343 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Năm 2024, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu đạt 34.400 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 44% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, Sabeco ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 34.150 tỷ đồng, gần như đi ngang so với con số hồi đầu năm, trong đó có hơn 6.000 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, cùng với hơn 17.300 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Hàng tồn kho giữ ổn định ở mức hơn 2.300 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng nhẹ, ghi nhận hơn 9.000 tỷ đồng trong đó phần nợ đi vay chỉ khoảng 630 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 25.130 tỷ đồng, bao gồm hơn 9.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Đối với Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – mã chứng khoán: BHN), công ty ghi nhận 2.306 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu cung cấp thành phẩm, hàng hóa chiếm phần lớn với hơn 2.264 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng chậm hơn tốc độ tăng của doanh thu giúp lợi nhuận gộp đạt 643 tỷ đồng, tăng 21%.

Đáng chú ý, trong kỳ kinh doanh vừa qua, Habeco đã đẩy mạnh việc hiện diện trên thị trường khi dành 165 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Điều này đã đẩy chi phí bán hàng lên 340 tỷ đồng, so với chỉ 237 tỷ trong quý 2/2023.

Sau khi trừ đi các chi phí, Habeco báo lãi sau thuế đạt 172 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ nhưng vẫn là một kết quả tích cực so với khoản lỗ gần 21 tỷ đồng trong quý 1.

Kết thúc nửa đầu năm, doanh thu thuần của Habeco đạt 3.614 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Đồng thời, doanh nghiệp bia đến từ Hà Nội báo lãi sau thuế bán niên 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. So sánh với kế hoạch đặt ra, công ty đã thực hiện được 75% mục tiêu lợi nhuận.

TÌM ĐƯỜNG TRONG GIAN KHÓ

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống rượu, bia, nước giải khát đã liên tục chịu tác động tiêu cực như dịch bệnh, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Song song với đó, ngành đồ uống có cồn còn không thuộc đối tượng giảm thuế VAT nên không được hỗ trợ mà chịu nhiều hạn chế từ 4 Luật lớn: Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thương mại, Luật quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường.

Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia, theo đó các mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế suất cao, dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

Trước những khó khăn trên, ngành bia đã bị sụt giảm mạnh về sản lượng. Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022. Tính trong quý 2/2024, chỉ số tăng gần 129% so với cùng kỳ.

Theo VBA, Sabeco hiện có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành ở Việt Nam, từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của doanh nghiệp đều tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.

Tương tự, sản lượng tiêu thụ Habeco trong năm 2023 giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động.

anh-chup-man-hinh-2024-08-07-luc-152500-20240807152547328.png
Thị phần các thương hiệu bia ở Việt Nam giai đoạn 2013 - 2023. (Nguồn: VDSC)

Trong cuộc họp với nhà đầu tư quý 1, ban lãnh đạo Sabeco cũng cho rằng quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia năm nay. Cùng với đó, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển...) vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Song, hãng vẫn tự tin sẽ duy trì đà phục hồi trong năm nay nhờ kết quả kinh doanh tích cực qua từng tháng, đồng thời đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội cho ngành bia Việt Nam nhờ lợi thế dân số vàng, thu nhập tăng mạnh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu.

Sang năm 2025, Sabeco kỳ vọng chi phí đầu vào sẽ trở về mức bình thường, qua đó tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp, tạo ra môi trường chi phí thuận lợi hơn cho công ty.

Còn với Habeco, kế hoạch trong năm nay là gia tăng thị phần ở phía Bắc, cũng như tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường tại miền Trung và miền Nam. Hãng đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính tăng trưởng 5% so với cùng kỳ.