Thép cuộn cán nóng Việt Nam vào diện điều tra ở EU, khó khăn bủa vây

Ngành sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) của Việt Nam cùng lúc đang phải đối diện với sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước và sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất khẩu…

Trong bối cảnh ngành hàng sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ thì tại thị trường EU, sản phẩm của chúng ta lại đối diện nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá.

Mới đây, Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phát thông tin cảnh báo sớm về việc đơn vị đã nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, EC sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu gồm Đơn yêu cầu, Quyết định khởi xướng điều tra và Bản câu hỏi điều tra . Trước nguy cơ đối diện với cuộc điều tra, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.

Điều đáng nói, sự việc xảy ra trong bối cảnh, sản phẩm thép HRC sản xuất trong nước cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu nước ngoài nghi bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Bởi lẽ, mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Quyết định này khởi nguồn từ việc sau khi xem xét đơn yêu cầu từ các nhà sản xuất thép HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh cùng ý kiến của các doanh nghiệp liên quan. Động thái này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là cần thiết và kịp thời nhằm bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng các quy định pháp luật.

Việc thép HRC giá rẻ ồ ạt tràn về Việt Nam, có thời điểm cao gần 200% sản xuất trong nước đã khiến các nhà sản xuất trong nước không thể khai thác hết công suất. Năm 2023, sản lượng thép cán nóng của Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Thị phần bán hàng nội địa sụt giảm nghiêm trọng từ 42% năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2023.

Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 giảm 10% so với quý I/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Giá sản phẩm này cũng giảm nhằm đáp ứng những yêu cầu khó tính của thị trường. Giá thép HRC hồi đầu tháng 7 ở mức 531 USD/Tấn, giảm 15 USD/tấn so với giá giao dịch đầu tháng 6 và giảm đáng kể so với đầu năm 2023. Giá HRC bình quân tháng 6/2024 là 539 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 2,3% so với tháng trước.

Động thái điều tra của EC trong thời gian tới có khả năng tác động rất lớn đến ngành thép của nước ta bởi trong các thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam, EU vẫn luôn giữ vị trí đứng đầu. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường như sau: Khu vực EU 26,08%, khu vực ASEAN 25,75%, Hoa Kỳ 12,86%, Đài Loan 4,08% và Brazil 3,66%.