Thị trường Việt Nam sắp đón làn sóng thương mại điện tử mới từ YouTube Shopping

Làn sóng thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, báo hiệu sự bùng nổ của nền kinh tế số và thay đổi cách thức mua sắm, kinh doanh của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trong nước…

Mới đây, YouTube và nền tảng thương mại điện tử Shopee vừa thông báo sẽ ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến với tên gọi là Youtube Shopping và kế hoạch sẽ mở rộng sang khu vực Đông Nam Á trong đó có thị trường Việt Nam.

Cụ thể, theo thông báo từ hai nền tảng, sắp tới người dùng có thể mua hàng trên Youtube thông qua các đường link Shopee. Lãnh đạo hai nền tảng này tiết lộ họ đang có dự định mở rộng dịch vụ này sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tới. Hiện YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc và Mỹ.

Về tính năng hoạt động, trên Youtube sẽ có phần gắn giỏ hàng để người xem tiếp cận thị trường mua sắm, tương tự như việc gắn giỏ hàng trên TikTok Shop hiện nay nhưng tại đây chỉ chấp nhận sản phẩm từ Shopee. Đây được xem là cách để hai ông lớn mạng xã hội và thương mại điện tử kết hợp với nhau để cạnh tranh với TikTok Shop trong giai đoạn nền tảng này đang ngày càng lớn mạnh.

Chia sẻ thêm về quy mô hợp tác với Shopee, ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của YouTube cho biết, đây là một thỏa thuận "rất quan trọng" nhưng từ chối cung cấp số liệu cụ thể. Ông cũng tiết lộ rằng YouTube Shopping sẽ dần dần mở cửa cho các đối tác khác ngoài Shopee.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử tiếp tục là kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước. Số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop ước đạt 156.000 tỷ đồng. Thị trường thương mại điện tử tiềm năng của Việt Nam đã kéo các doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động kinh doanh.

Tính riêng quý 2 năm 2024, tổng giao dịch của Shopee đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm đến 71,4% thị phần. Xếp thứ hai là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%. Tổng giá trị hai sàn còn lại như Lazada và Tiki lần lượt là 5.160 tỷ đồng (5,9%) và 584 tỷ đồng (0,7%).

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng giao dịch của Shopee lên đến 116.120 tỷ đồng, chiếm 69,7% trong khi Tiktok là 37.600 tỷ đồng, chiếm 22,6%. Với diễn biến này, thị trường bán lẻ trực tuyến hiện đang là cuộc đua giữa Shopee và TikTok Shop.

Giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Tin liên quan