Bộ Công Thương cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%)
Nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 4 sôi động hơn do có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng. Nguồn cung các hàng hóa được bảo đảm, đồng thời, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân.
Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá lợn hơi tăng nhẹ. Các mặt hàng như đường, thức ăn chăn nuôi, nhóm nhiêu liệu, năng lượng tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; may mặc tăng 12,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,1%; du lịch lữ hành tăng 57,6%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%).
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8%.
Trong 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 7,8%; Bình Dương tăng 7,7%; Đồng Nai tăng 6,9%; Đà Nẵng tăng 6,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,4%; Hà Nội tăng 5,3%.
Bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu
Bộ Công Thương nhận định, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, tình hình tại thị trường trong nước có kết quả rất khả quan trong 4 tháng đầu năm, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Bộ Công Thương thẳng thắn chỉ ra rằng, tăng trưởng của thị trường trong nước vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (8,5% so với 13,3%). Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước cũng có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới.
Vì vậy, vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó. Để bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu, phát triển thị trường trong nước cũng như hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm 2024, Bộ Công Thương đề xuất một số nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới, cụ thể:
Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Cụ thể như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).