Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng ngày 16/5, số vàng trúng thầu cao nhất trong tổng 4 phiên đã đấu thành công, lên tới 12.300 lượng. Giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng...
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 16/5 với tổng số đơn vị trúng thầu là 11 thành viên. Tổng khối lượng trúng thầu trong phiên lần này là 123 lô, tương ứng với 12.300 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất 88,89 triệu đồng/lượng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo quy định phiên đấu thầu lần này, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu không đổi so với các phiên đấu thầu trước đó là 16.800 lượng vàng SJC. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu mỗi thành viên được phép đấu thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa mỗi thành viên được phép đấu thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng). Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Giá tham chiếu để doanh nghiệp đặt cọc là 87,5 triệu đồng một lượng, giảm 500.000 đồng so với hôm 14/5.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Loại vàng miếng đấu thầu là vàng SJC, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá.
Trong 7 phiên, có 4 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu.
Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4, có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 8/5, có 3 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng vàng miếng SJC. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 14/5 có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng 8.100 lượng. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 16/5, 11 thành viên đã trúng thầu với khối lượng 12.300 lượng.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Tại thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai ngay các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng phù hợp, kịp thời và hiệu quả, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao, bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Về việc thanh tra thị trường vàng, Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất đến ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua và bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, không để chậm trễ hơn nữa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Phó Thủ tướng yêu cầu chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5/2024.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước, bảo đảm các mục tiêu phát triển thị trường vàng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật có liên quan.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, hoàn thành chậm nhất trong quý 2/2024; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
Uỷ ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng và pháp luật có liên quan, chủ động thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 16/5 đảo chiều giảm 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, hiện niêm yết lần lượt ở mức 87,5 – 90,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 87,5 – 90,0 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 27,4 USD lên 2.385 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ 3,5 USD lên 2.388,5 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York tăng 35 USD, tương ứng tăng 1,48% lên mức 2.394,9 USD/ounce.
Với mức giá khoảng 2.388,5 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 74,11 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 15,91 triệu đồng/lượng.
Vàng tăng mạnh sau báo cáo lạm phát của Hoa Kỳ thấp hơn một chút so với dự kiến. Đồng thời, sự sụt giảm của chỉ số đô la Mỹ và lãi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ cũng có lợi cho thị trường kim loại quý, giúp vàng tháng 6 đạt mức cao nhất trong 3 tuần.
Cụ thể, Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Mỹ vừa công bố cho thấy, CPI tăng 0,3% so với dự báo đồng thuận là tăng 0,4% và so với báo cáo tháng 3 tăng 0,4%. Chỉ số CPI hàng năm trong tháng 4 đã tăng 3,4% và được dự báo ở mức tăng 3,6% và so với mức tăng 3,8% trong báo cáo tháng 3.
Thiên An