Thế giới tiếp tục thiếu hụt nguồn cung cao su giai đoạn 2024 - 2025
Sau giai đoạn cân bằng cung cầu trong nửa cuối thập kỷ 2010 - 2020, thiếu hụt nguồn cung cao su trên toàn cầu đã manh nha xuất hiện từ đầu năm 2021 và trở lại vào năm 2023.
Theo ước tính của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên đạt 15,50 triệu tấn, tăng 9,1% so với năm 2022; trong khi đó, sản lượng khai thác chỉ tăng 3,4%, đạt 15,14 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 0,36 triệu tấn.
Ước tính mới nhất của hãng chứng khoán Phú Hưng Securities (PHS) cho thấy, thị trường cao su thế giới trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ còn tiếp tục thâm hụt thêm khoảng 0,6 - 0,8 triệu tấn/năm khi sản lượng không theo kịp nhu cầu sử dụng.
Cụ thể, với đà hồi phục nhu cầu tiêu thụ diễn ra từ nửa cuối năm 2023, PHS dự báo nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 4 - 6% khi các lĩnh vực tiêu thụ chính như sản xuất lốp xe ô tô và trang thiết bị y tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Đáng chú ý, hãng sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới Michelin cho biết, mức tiêu thụ lốp xe nguyên bản (OEM) trên toàn cầu trong năm 2023 đã quay trở lại như mức năm 2019; trong khi, thị trường lốp thay thế vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.
Tính riêng tại Trung Quốc - nơi tiêu thụ 40% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, sản lượng lốp xe năm 2023 đã “bùng nổ”, tăng 15,5% so với năm 2022 và sản lượng lốp xe xuất khẩu cũng tăng hơn 11%, lên cao nhất 7 năm qua. Một số nhà sản xuất lốp xe lớn tại Trung Quốc cho biết đơn hàng trong năm nay đang ở mức cao và dự kiến sẽ duy trì công suất tối đa.
Tương tự, hoạt động sản xuất và xuất khẩu lốp xe của Thái Lan và Ấn Độ trong năm 2023 cũng tăng trưởng tính cực và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay.
Trong khi đó, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1 - 3%/năm trong giai đoạn 2024 - 2025. Hiện tăng trưởng nguồn cung từ nhóm các quốc gia, gồm: Bờ Biển Ngà, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc (chiếm tổng 30% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu) sẽ đạt mức khai thác tối đa trong vài năm tới đây.
Trong khi đó, diện tích canh tác cao su tại Thái Lan và Indonesia (chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu) liên tiếp sụt giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại do dịch bệnh trên cây cao su cùng với xu hướng các hộ nông dân chuyển sang trồng các cây công nghiệp khác có hiệu suất kinh tế cao hơn khi việc trồng cây cao su mất từ 5 - 7 năm mới có thể khai thác mủ được.
Ngoài ra, hiệu suất thu hoạch cao su cũng đã giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh trên lá cây bùng phát và chịu tác động từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt năm 2024 là năm “khắc nghiệt” với cây cao su khi là năm chuyển giao giữa hiện tượng El Nino và La Nina.
Giá cao su thiên nhiên tăng liên tục 6 tháng, dự báo có thể tăng thêm 20%
Với các diễn biến cung - cầu thị trường, giá cao su thiên nhiên thế giới đã có 6 tháng tăng liên tục từ tháng 8/2023 đến nay với mức tăng từ 20% cho dòng cao su TSR20 và 30% cho dòng cao su RSSS3, chạm mức cao nhất 13 năm qua.
Trong ngắn hạn, tình trạng mưa lớn, gây lũ lụt tại miền Nam Thái Lan kỳ vọng sẽ giúp giá cao su neo ở mức cao trong những tuần tới.
Mùa vụ khai thác cao điểm của cây cao su tại khu vực Đông Nam Á (chiếm khoảng 75% sản lượng mủ toàn cầu) rơi vào giai đoạn từ cuối quý 3/2024 sau khi trải qua giai đoạn nghỉ thay lá từ khoảng tháng 2 đến tháng 5. Do đó, các nhà sản xuất thường tập trung đẩy mạnh mua hàng vào giai đoạn cuối năm sau khi dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Vì vậy, giá cao su trong nửa cuối năm nay sẽ quyết định xu hướng giá cao su trong năm 2025.
Đáng chú ý, khả năng xảy ra hiện tượng La Nina vào nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục gây lo ngại cho nguồn cung Thái Lan nói riêng và toàn cầu nói chung vì giai đoạn này là mùa cao điểm khai thác cao su, sau khi kết thúc giai đoạn nghỉ cạo và thay lá trong nửa đầu năm.
Với đà phục hồi vẫn chưa có tín hiệu chững lại ở các lĩnh vực tiêu thụ cao su tự nhiên chủ chốt và rủi ro cao trong việc thiếu hụt nguồn cung, PHS hiện dự báo giá cao su SR20 có thể neo cao và đạt mức giá từ 1,6-1,8 USD/kg bằng với giai đoạn 2021 đến nửa đầu năm 2022, tương ứng mức tăng 10 - 20% so với năm 2023.
Trong hơn 30 năm qua kể từ năm 1990, tỷ lệ tiêu thụ cao su thiên nhiên so với tổng lượng cao su tiêu thụ đã liên tục tăng lên từ mức 35%, đang tiến gần tới ngưỡng cân bằng 50% so với tiêu thụ cao su nhân tạo. Xu hướng này cho thấy rủi ro về việc cao su thiên nhiên bị thay thế bởi cao su nhân tạo đã giảm đi đáng kể. Do đó, giá cao su thiên nhiên giai đoạn này sẽ biến động chủ yếu theo tình trạng cung cầu.
Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, tương quan giữa giá dầu Brent và giá cao su tự nhiên đã giảm đi đáng kể. Thậm chí trong giai đoạn từ cuối quý 3/2023 đến nay, giá dầu Brent liên tục giảm từ 89 USD/thùng xuống còn 81 USD/thùng (giảm 9%) trong khi đó giá các loại cao su tự nhiên lại bứt phá mạnh, tăng 14 - 28%, phản ánh tình trạng chênh lệch cung - cầu ngày càng sâu sắc của cao su tự nhiên.
Duy Quang