Việt Nam vượt Thái Lan, trở thành đối tác cung ứng gạo lớn thứ 2 cho Đài Loan (Trung Quốc)

Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, vượt qua Thái Lan để trở thành đối tác cung ứng gạo lớn thứ 2 cho Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2023, trong đó phải kể đến năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam tăng lên tại thị trường này.

Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc dẫn số liệu thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (TITA) cho biết, năm 2023 Đài Loan (Trung Quốc) đã nhập khẩu 114.804 tấn gạo (mã HS 1006) từ 11 đối tác trên toàn cầu, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 87,15 triệu USD, giảm 8,46% về lượng và giảm 1,27% về giá trị so với năm 2022.

Việt Nam vượt Thái Lan, trở thành đối tác cung ứng gạo lớn thứ 2 cho Đài Loan Trung Quốc
(Nguồn: TITA) Xuất khẩu gạo Việt Nam vào Đài Loan (Trung Quốc) tăng mạnh cả lượng và trị giá

Về cơ cấu nguồn cung, Hoa Kỳ vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào Đài Loan (Trung Quốc) với 38.340 tấn gạo được xuất cho thị trường này trong năm 2023, kim ngạch đạt 31,29 triệu USD, giảm 35,99% về lượng và giảm 24,67% về giá trị so với năm 2022, chiếm 33,39% thị phần về lượng và 35,91% thị phần về giá trị.

Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, vượt qua Thái Lan để trở thành đối tác cung ứng gạo lớn thứ 2 cho Đài Loan trong năm 2023 với 37.003 tấn, kim ngạch đạt 20,95 triệu USD, tăng mạnh 82,45% về lượng và tăng tới 107,49% về giá trị so với năm 2022, chiếm 32,23% thị phần về lượng và 24,04% thị phần về giá trị.

"Đây là một điểm sáng trong năm 2023 do Việt Nam hiện không được Đài Loan chia thị phần quota nhập khẩu gạo theo cam kết gia nhập WTO, việc nhập khẩu gạo thuần nhất do năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam tại thị trường này", Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết.

Các đối tác kế tiếp cung ứng gạo cho Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt là Thái Lan, Australia, Nhật Bản và Myanmar. Tuy vậy, các số liệu thống kê của TITA cho thấy, năm 2023 Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục không nhập hết số lượng quota cam kết mở cửa thị trường khi gia nhập WTO (144.720 tấn).

Việt Nam vượt Thái Lan, trở thành đối tác cung ứng gạo lớn thứ 2 cho Đài Loan Trung Quốc  2
(Nguồn: TITA) Tận dụng tối đa ưu thế về phân khúc thị trường và khả năng cạnh tranh

Trao đổi về cơ hội thị trường, Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết: Mặc dù gạo là thực phẩm chủ yếu hàng ngày của người dân, song về tổng thể lượng cung do Đài Loan (Trung Quốc) tự trồng và sản xuất gạo lớn hơn nhu cầu của người dân (dư thừa). Đặc biệt, nhu cầu ăn gạo bình quân đầu người của Đài Loan (Trung Quốc) nhiều năm qua có xu hướng ngày một giảm.

Trong khi đó, cam kết mở cửa thị trường mặt hàng gạo chỉ 144.720 tấn/ năm (khoảng 8% nhu cầu) và quy mô nhu cầu nhập khẩu gạo không quá lớn, nhiều năm qua Đài Loan (Trung Quốc) không sử dụng hết lượng quota này.

Bên cạnh đó, ngoài chính sách hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, gạo nước ngoài vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cũng gặp phải không ít khó khăn như tiêu chuẩn kiểm nghiệm kiểm dịch, chính sách khuyến khích ăn gạo bản địa của chính quyền và nhất là phải cạnh tranh với gạo bản địa có chất lượng khá cao.

Trong đó, riêng lượng hạn ngạch nhập khẩu hiện Việt Nam không được chia theo Thỏa thuận ký với Đài Loan (Trung Quốc) khi chúng ta gia nhập WTO và người dân có thị hiếu sử dụng gạo hạt tròn japonica thay vì gạo hạt dài thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy vậy, với lợi thế cạnh tranh, nhất là sự năng động của các thương nhân Đài Loan (Trung Quốc) trong việc đa dạng hóa nguồn cung, vẫn có cơ hội xuất khẩu gạo vào Đài Loan do cơ cấu thị trường và thị hiếu tiêu dùng quyết định”, Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nhận định.

Cụ thể, tùy vào chất lượng, có thể xâm nhập vào các phân khúc dùng để ăn trực tiếp, dùng để chế biến các sản phẩm từ gạo hoặc dùng để viện trợ, chăn nuôi. Đặc biệt là, thời gian tới Việt Nam cần duy trì lợi thế về thị trường trong phân khúc mặt hàng gạo nếp (Mã HS: 10063000104) để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này vào Đài Loan (Trung Quốc) do lượng quota phân bổ không chỉ định mã HS mặt hàng.

Đồng thời cần tiếp tục dựa trên ưu thế về gần gũi địa lý, gần gũi văn hóa, gần gũi trong giao lưu kinh tế thương mại và đặc biệt là ưu thế cạnh tranh về số lượng và giá cả để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu vào Đài Loan (Trung Quốc).

Ngoài ra, muốn củng cố thị trường và tăng xuất khẩu gạo vào Đài Loan (Trung Quốc) chủ yếu cần tiếp tục nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh và làm tốt khâu nghiên cứu, tiếp thị thị trường, đồng thời xem xét đàm phán mua quyền phân phối sản xuất, xuất khẩu các loại giống lúa của bản địa như Tainan-11 (vốn đã được trồng tại Việt Nam và đã từng được xuất khẩu sang Đài Loan) để gia tăng thị phần hoặc tận dụng ưu thế về phát triển khoa học nông nghiệp của phía Đài Loan (Trung Quốc), mở rộng/ thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) có thế mạnh sang Việt Nam hợp tác đầu tư sản xuất lúa gạo xuất khẩu.

Tin liên quan