Đây là nhận định của chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu về thị trường chứng khoán trong thời gian tới...
Trao đổi với phóng viên về một số vấn đề liên quan đến thị trường tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu nhiều tác động, ở cả bên trong lẫn bên ngoài.
Cụ thể, ông Hiếu nhận định, những cái vấn đề đã xảy ra năm 2022 sẽ tiếp nối sang năm 2023. Trong đó, có vấn đề tiêu biểu nhất là thanh khoản của thị trường chứng khoán và tác động của thị trường bất động sản.
"Chúng ta cần chuẩn bị để bước vào năm 2023 với một cái tư thế sẵn sàng đối phó, đối mặt với các vấn đề kèm theo những khủng hoảng mới", ông Hiếu nói.
Trong lần tăng lãi suất ngày 2/4/2022, Fed để ngỏ việc tiếp tục thực hiện điều này trong năm 2023. Tuy nhiên, thực tế lại chó thấy vào ngày 1/2/2023, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Đây cũng là lần tăng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp của Fed, mặc dù mức độ tăng lãi suất này không lớn, chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm so với lại 0,75 điểm phần trăm so với lần tăng lãi suất trước đó.
"Hiện, tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã giảm khoảng từ 9,1% vào tháng 6/2022 xuống hiện tại còn trên khoảng 6,5%. Điều tôi hy vọng là khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ cảm thấy đã có thể kiểm soát được lạm phát tại quốc gia này thì khả năng dừng việc tăng lãi suất sẽ xuất hiện vào khoảng giữa năm 2023. Nếu việc này xảy ra thì chắc chắn sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam", ông Hiếu phân tích.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ nhờ đó mà đón nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên, với những điều đã phân tích ở trên, ông Hiếu nhấn mạnh, chỉ số VnIndex sẽ tiếp tục dao động quanh ngưỡng hiện nay cho đến khoảng độ giữa năm 2023 và khó có thể trở về mốc 1.500 điểm.
"Tức là tính thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ giảm và thị trường sẽ rơi vào tình trạng tiếp tục trầm lắng trong nửa năm tới", ông Hiếu tái khẳng định.
Ông Hiếu cũng cho biết thêm, nửa cuối năm 2023 sẽ là một cơ hội mới của thị trường chứng khoán với khả năng hồi phục cao và có thể tăng điểm trở lại khi thị trường bất động sản được khơi thông và thoát dần khỏi sự ảm đạm hiện nay.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã ở trong giai đoạn đóng băng bắt đầu từ cuối năm 2022 và tiếp tục duy trì trạng thái này sang đầu năm nay. Thị trường bất động sản không ghi nhận thanh khoản và rất nhiều nhà đầu tư, ở thời điểm hiện tại, đã dừng đầu tư để chuyển sang trạng thái “chờ đợi”.
Hiện, tổng số nợ trái phiếu đến hạn trong năm 2023 lên đến khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó 1/3 lượng trái phiếu này là trái phiếu của bất động sản. Nếu các nhà phát hành trái phiếu này không có khả năng trả nợ có thể tạo nên trạng thái “vỡ nợ hàng loạt” ở trong thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường trái phiếu bất động sản.
“Những nhà phát hành trái phiếu bất động sản là đang gặp rất nhiều khó khăn nên tôi mong rằng Bộ Tài chính và Chính phủ cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát và hạn chế tình trạng phá sản, vỡ nợ hàng loạt của các doanh nghiệp bất động sản. Khi điểm nghẽn được khơi thông và thị trường bước vào giai đoạn ổn định thì thị trường chứng khoán sẽ lại khởi sắc", ông Hiếu một lần nữa nhấn mạnh.