Đây là nhận định của CEO doanh nghiệp đầu tư bất động sản Phú Đông Group tại buổi hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới" vào sáng ngày 7/4…
Ông Ngô Quang Phúc, CEO Phú Đông Group
Theo ông Ngô Quang Phúc, CEO Phú Đông Group, trong cùng một quy trình thủ tục pháp lý như hiện nay, doanh nghiệp nào ra được giấy phép xây dựng là rất vĩ đại. Bởi lẽ, nếu quy trình đầy đủ các thủ tục liên quan để có được giấy phép xây dựng thì cũng phải mất 2,5 năm. Trong quá trình xin phép, chẳng may có những bước thay đổi về các thủ tục pháp lý thì phải làm lại từ đầu.
Cũng theo ông Phúc, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản còn gặp phải các vấn đề khác trong vấn đề pháp lý, điển hình là vướng mắc về quy hoạch. Trong khi, quy hoạch tổng thể rất quan trọng, có thể tác động tới phân khu và các dự án bất động sản được yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch đó.
Điều đáng nói, sau khi các dự án bất động sản đã đầy đủ pháp lý, đủ giấy phép nhưng vẫn không bán được. Ông Phúc cho rằng, nguyên nhân chính là bởi lãi suất tăng cao. Thực tế, mặt bằng lãi suất rất ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Đa số người mua lẫn chủ doanh nghiệp bất động sản đều sử dụng vốn ngân hàng.
“Về vốn bất động sản, doanh nghiệp chúng tôi cần vốn nhưng cuối cùng, vẫn phải là cá nhân mua nhà vay được tiền. Nhưng thời điểm hiện tại, khách hàng cũng không vay được vì lãi suất vay khoảng 14% thì khách hàng không có nhu cầu. Chi phí lãi vay cao khiến người dân không có nhu cầu, chưa nói thị trường đóng băng”, CEO của Phú Đông Group cho biết.
Chia sẻ thêm về tình hình lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng nhận định, lãi suất là vấn đề cực kỳ quan trọng với thị trường bất động sản. Lãi suất tăng thì bất động sản giảm.
Hiện tại, lãi suất của Việt Nam rõ ràng tương đối cao. Chính phủ đã có yêu cầu lãi suất giảm xuống và lãi suất đã giảm từ 1,5-2% từ đầu năm tới nay. Mới đây nhất, Vietcombank công bố lãi suất cho người mua nhà chỉ 10-12%.
Tóm lại, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản mong muốn các ngân hàng phải đánh giá lại để có lãi suất phù hợp cho khách hàng. Quan trọng là phải giảm lãi suất cho vay cá nhân phải giảm mới có đầu ra cho bất động sản. Từ đó mới có thể kích thích nhu cầu ở thực, kích thích mua nhà thực và tạo ra hệ số nhân tiền từ đây.
Mặt khác, ông Lực cũng đưa ra 4 lý do khiến mặt bằng lãi suất tại Việt Nam cao: (i) lạm phát nước ta luôn cao hơn trung bình thế giới; (ii) nền kinh tế Việt Nam rủi ro vô cùng lớn, theo các tổ chức quốc tế xếp hạng đầu cơ không phải đầu tư - vay nước ngoài ngoại tệ 6-7%, trong khi vay bất động sản 10-12 năm là rủi ro nên lãi suất phải cao hơn; (iii) lãi suất đầu vào ở Việt Nam cao; (iv) chi phí giao dịch của nền kinh tế lớn.