Ai sợ hãi khi giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng?

Giá dầu có nguy cơ tăng lên mức 100 USD/thùng khiến những công ty có nhu cầu lớn như hãng hàng không bắt đầu lo lắng...
Giá dầu

Lần đầu tiên trong năm, có nhiều dấu hiệu thực tế cho thấy giá dầu thô có thể đạt 100 USD/thùng. Nếu thành sự thật, thị trường sẽ thay đổi đột ngột so với những gì xảy ra cách đây không lâu vốn chìm trong tình trạng ảm đạm.

CUNG THẮT CHẶT, KHO DỰ TRỮ GIẢM

Sự tăng giá này có nguy cơ kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng và kéo theo đó là tăng trưởng toàn cầu, và lấp đầy ngân khố của những nhà sản xuất dầu lớn. Trong khi đó, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 103 triệu thùng/ngày vào tháng 6, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Điều này cho thấy loài người đang đạt được rất ít tiến bộ trong việc loại bỏ thứ hàng hóa vốn đang làm hành tinh nóng lên.

Các nhà phân tích và giám đốc điều hành tại các công ty năng lượng đang hồi sinh dự đoán giá dầu sẽ ở mức ba chữ số sau đợt tăng giá mùa hè vừa qua. Sau nhiều tháng nỗ lực vực dậy, thị trường liên tục trượt dốc, Nga và Ả Rập Saudi đã thực hiện tốt cam kết cắt giảm sản lượng sâu. Bây giờ họ đã gia hạn những điều đó đến cuối năm. Nguồn cung đang bị hạn chế vào thời điểm nhu cầu không có dấu hiệu suy giảm, được hỗ trợ bởi nền kinh tế Mỹ đang bất chấp những dự đoán về việc hạ cánh cứng.

Mike Wirth, giám đốc điều hành của Chevron Corp - nằm trong số những người nghĩ rằng giá dầu đang hướng tới mức giá 100 USD/thùng. “Nguồn cung đang thắt chặt, hàng tồn kho đang giảm”, ông nói trong cuộc phỏng vấn ngày 18/9 trên Bloomberg TV. “Những điều này xảy ra dần dần và bạn có thể thấy ngày một tăng lên”.

dau1-2088.jpg

Ở các quốc gia sản xuất như Ả Rập Saudi, tâm trạng đang phấn chấn hơn bao giờ hết. Vương quốc này đã cử một phái đoàn lớn tới Đại hội Dầu khí Thế giới từ ngày 17 đến ngày 21/9 ở Calgary, nơi Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tổ chức một bữa tối xa hoa cho những người tham dự bao gồm các quan chức chính phủ, các nhà đầu tư dầu mỏ và giám đốc điều hành từ các công ty dầu mỏ lớn.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ luôn nói rằng họ không đặt mục tiêu vào một mức giá dầu cụ thể, nhưng trong cuộc phỏng vấn ngày 20/9 với Bloomberg TV, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani đã đưa ra manh mối về mức giá mà OPEC cho là hợp lý cho cả người tiêu dùng cũng như người sản xuất. “Chắc chắn không dưới 85-95 USD/thùng”, ông nói.

Khi hỏi một nhà giao dịch dầu mỏ về triển vọng giá 100 USD/thùng, họ sẽ thú nhận rằng vẫn lo lắng về việc giá có thể giữ ở mức đó trong bao lâu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao lâu hơn, gây căng thẳng cho tình hình tài chính của nước này, người tiêu dùng cũng như người trung gian hàng hóa.

Ở một số nơi trên thế giới, mức tăng đã bắt đầu xuất hiện. Giá xăng ở Mỹ đang nhanh chóng hướng tới mức 4 USD/gallon vào thời điểm thường giảm trong năm, trong khi giá dầu diesel kỳ hạn ở châu Âu gần đây đã đạt mức 130 USD/thùng.

Ngay cả hàng không - một lĩnh vực đóng vai trò thúc đẩy giá dầu tăng do sự bùng nổ du lịch quốc tế trong mùa hè này - cũng bắt đầu bày tỏ sự lo ngại. Delta Air Lines gần đây đã giảm kỳ vọng về lợi nhuận quý 3 do chi phí nhiên liệu cao hơn và chỉ số S&P của cổ phiếu hàng không được theo dõi rộng rãi hiện đang nằm trong vùng thị trường giá xuống.

Đối với các nước nhập khẩu ròng dầu mỏ - đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc - tác động của giá dầu tăng lên đối với tăng trưởng và lạm phát đã giảm bớt so với trước đây. Cả hai nước đều đã mua số lượng lớn dầu thô giá rẻ của Nga mà các nước khác không thể chạm tới. Mặt khác, hai quốc gia có thể cảm thấy khó khăn nếu giá dầu diesel tăng cao hơn do lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu gần đây của Nga.

Ngay cả hàng không - một lĩnh vực đóng vai trò thúc đẩy giá dầu tăng do sự bùng nổ du lịch quốc tế trong mùa hè này - cũng bắt đầu bày tỏ sự lo ngại.

Đối với chính quyền ông Biden, giá dầu tăng là một vấn đề chính trị muôn thuở: Tỷ lệ tán thành của tổng thống giảm sút vào mùa hè năm 2022 khi giá xăng tăng lên mức 5 USD một gallon và trở thành tâm điểm khiến người Mỹ bất mãn trước lạm phát. Trước cuộc bầu cử vào năm tới, Nhà Trắng có rất ít lựa chọn tốt để xoa dịu những tài xế, khi kho dự trữ dầu của quốc gia đã giảm xuống còn khoảng một nửa công suất bình thường.

Ở những trung tâm dầu mỏ của Mỹ như Texas và Oklahoma, triển vọng giá 100 USD/thùng khiến người ta bớt lo lắng hơn. Ở đó, các công ty khoan dầu của Mỹ một lần nữa lại nhận cơn mưa tiền. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt trung bình kỷ lục 4,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng 15% so với một năm trước và có thời điểm lên tới 5,6 triệu thùng.

VIỄN CẢNH 100 USD/THÙNG KHÔNG CÒN XA?

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất Mỹ đang gấp rút viết lại kế hoạch chi tiêu vốn để có thể mở rộng sản lượng. Các nguồn tin từ các công ty khoan dầu cho biết cần phải thận trọng vì các dự án có thể mất nhiều năm để mang lại lợi nhuận. Để có bằng chứng về sự kiềm chế, hãy nhìn vào số liệu về sản lượng dầu đá phiến mà Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sẽ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10. Vicki Hollub, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Occidental Petroleum Inccho biết: “Chúng tôi tuân thủ kỷ luật về vốn và điều đó có nghĩa là chúng tôi không tăng giá dầu đáng kể trong một thị trường mà chúng tôi không thấy sự cân bằng”.

Đối với những người tiêu dùng dầu bên ngoài nước Mỹ, sự tăng giá của dầu thô đặc biệt có vấn đề. Giá dầu thô thường được tính bằng đôla và đồng bạc xanh đã mạnh lên kể từ giữa tháng 7. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết hôm thứ hai rằng giá dầu tăng gây rủi ro cho sự ổn định tài chính toàn cầu và đe dọa lạm phát, trừ khi suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu năng lượng.

2226-2111-lynxmpee2l0gm-l-7963.jpg
Các công ty sử dụng nhiều dầu mỏ như hãng hàng không cho biết giá tăng sẽ làm giảm lợi nhuận.

Giovanni Serio, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty kinh doanh dầu khổng lồ Vitol cho biết các kho dự trữ hiện đang giảm với tốc độ gần 2 triệu thùng mỗi ngày. Một trong những lý do là nhu cầu ở Trung Quốc mạnh hơn những gì mọi người nhận định. Nhưng tương lai dường như không quá đen tối. Serio kỳ vọng sản lượng cao hơn ở Bắc và Mỹ Latinh sẽ khiến sản xuất và nhu cầu toàn cầu cân bằng hơn trong quý 4.

Hiện tại, các công ty sử dụng nhiều dầu mỏ như hãng hàng không cho biết giá tăng sẽ làm giảm lợi nhuận. “Giá nhiên liệu đã tăng 30% kể từ đầu tháng 7. Cả năm nay giá nhiên liệu đã không ổn định”, Giám đốc tài chính của Delta Air Lines Daniel Janki cho biết vào tuần trước sau khi công ty cắt giảm dự báo thu nhập hàng quý.

Trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao, không có dấu hiệu nào cho thấy mức tiêu thụ đang suy giảm. Tuần trước, chính phủ Anh đã trì hoãn một số mục tiêu quan trọng về khí hậu với lý do chi phí. Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm cả Thụy Điển, cũng đã hủy bỏ một số quy định xanh trong những tháng gần đây.

Công ty Oil India Ltd. do nhà nước điều hành dự kiến mức tiêu thụ của nước này sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2040, củng cố hầu hết các dự báo rằng mức tiêu thụ toàn cầu chưa đạt đến đỉnh điểm.

Karl Johnny Hersvik, Giám đốc điều hành của AkerBP - một công ty dầu khí Na Uy cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Đối với tôi, có vẻ như chúng ta đang đầu tư chưa đủ vào dầu khí. Có vẻ như nhu cầu về hydrocarbon không hề giảm”.

Dẫu vậy, vẫn có một vài tín hiệu khả quan cho thấy, giá dầu có thể sẽ không đạt tới 100 USD/thùng. Câu trả lời phụ thuộc vào Trung Quốc. Đất nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này đang ngày một tăng cường tiếng nói của họ. Mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc dường như có cải thiện hết sức khiêm tốn trong tháng 8, nhưng vẫn có hai lý do chính khiến thị trường có thể đánh giá quá cao mức độ nhu cầu của Trung Quốc và tác động của nó đối với các tiêu chuẩn toàn cầu như dầu Brent vào cuối năm 2023.