BIDV (HOSE: BID) mới đây đã đưa ra thông báo về việc chào bán lần thứ 11 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh.
Cụ thể, tính đến ngày 30/4 tổng dư nợ hiện là 2.198,4 tỷ đồng và hơn 20 triệu USD (tương đương với khoảng 463 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ gốc là 1.110 tỷ đồng và 11,8 triệu USD; dư nợ lãi, phí phạt là hơn 1.088 tỷ đồng và 8,1 triệu USD.
Khoản nợ của Công ty Ngọc Linh được rao bán với giá khởi điểm là hơn 1.154 tỷ đồng, tăng nhẹ so với dư nợ gốc của khoản nợ.
Ở lần đầu tiên thông báo bán vào cuối năm 2020 với giá khởi điểm là 2.100 tỷ, BIDV đã giảm giá đấu giá hơn 1.000 tỷ đồng sau 11 lần thông báo.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ của công ty Ngọc Linh là hơn 64 ha nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Tài sản bao gồm: các công trình dự án, tòa nhà, công trình xây dựng, các bất động sản khác gắn liền với đất, các phương tiện, máy móc, thiết bị và mọi bất động sản khác được xây dựng...
Ngoài ra, tài sản còn là toàn bộ các mỏ nguyên liệu, quyền sử dụng và khai thác tài nguyên các mỏ nguyên liệu, nhà máy tuyển quặng, toàn bộ các máy móc thiết bị phục vụ cho việc vận hành nhà máy…
Quảng cáo
Tài sản bảo đảm cũng bao gồm quyền khai thác mỏ chì kẽm Bó Liều tại xã Đồng Lạc và xã Nam Cường huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và một xe ô tô Lexus LS 460 màu đen, năm sản xuất 2007.
Bên cạnh đó, quyền sử dụng 14.500 m2 đất tại xã Lạc Hồng, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên (đất nông nghiệp, hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Vũ Đức Tuấn và bà Trần Thị Vui tại địa chỉ 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng thuộc tài sản bảo đảm.
Công ty TNHH Ngọc Linh được thành lập vào cuối năm 1993, trụ sở đặt tại số 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1953).
Dự án Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn công suất 30.000 tấn/năm của công ty được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 với tổng vốn đầu tư 789 tỷ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh vốn đầu tư dự án đã lên đến hơn 2.100 tỷ đồng.
Giai đoạn 2018 - 2019, công ty đưa nhà máy vào chạy thử hai lần, nhưng sau đó dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu và phải hiệu chỉnh lại các chỉ tiêu công nghệ, sửa chữa thiết bị. Doanh nghiệp thừa nhận khó khăn do chưa được cấp mỏ để hoạt động, trong khi quá trình đầu tư xây dựng nhà máy đã cạn kiệt nguồn vốn.
Sau 15 năm từ ngày được phê duyệt đầu tư, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, Ngọc Linh còn là chủ đầu tư Dự án Công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại số 161 Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là dự án nhiều năm chưa được khởi công do vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.