Bộ ba điểm nghẽn “tam bất thông” trong bức tranh kinh tế Việt Nam

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng hiện Việt Nam đang gặp khó bởi bộ ba điểm nghẽn “tam bất thông” là: nguồn lực bất thông suốt, cơ chế bất thông thoáng và quản trị bất thông minh.

Bộ ba điểm nghẽn “tam bất thông”

Tại sự kiện "Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2024 và tiêu điểm Đà Nẵng" do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã mang đến những phân tích tổng quan về kinh tế Việt Nam thế giới 2024-2025 và bức tranh thị trường bất động sản.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế 10 tháng qua có sự tăng trưởng tốt, thông qua các chỉ số quan trọng như: GDP, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, chỉ số cho khu vực nội địa chưa tích cực như mong đợi, thể hiện ở kết quả tăng trưởng tín dụng và giải ngân đầu tư công mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn khá chậm, chưa được như kỳ vọng.

“Hàm ý ở đây là dòng tiền - dòng máu của nền kinh tế đang yếu. Cần lưu ý nền kinh tế có thể tốt nhưng khu vực nội địa vẫn yếu”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

PGS.TS Trần Đình Thiên nói về bất động sản
PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại sự kiện.

PGS.TS Trần Đình Thiên dẫn số liệu, năm 2023 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 217.000 và số doanh nghiệp rút lui là 172.000. “Con số này nghe tưởng chừng là hứng khởi nhưng có điều phải phải lưu ý. Thứ nhất là số rút lui ấy là từ thật, còn số đăng ký chưa chắc là thật vì chỉ mới đăng ký thành lập thôi. Các doanh nghiệp rời khỏi thị trường sẽ tác động ngay đến tăng trưởng kinh tế vì làm giảm ngân sách thuế, giảm số việc làm, giảm thu nhập… Trong khi các doanh nghiệp đăng ký mới cần ít nhất khoảng 6 tháng để đóng góp vào GDP, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích.

Với 3 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (74.000) nhiều hơn doanh nghiệp gia nhập mới (60.000), cho thấy chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn như vậy, nhất là doanh nghiệp bất động sản.

Đến nay, sau 9 tháng, tình thế đã đảo ngược tuy nhiên nội lực của các doanh nghiệp nội địa vẫn rất yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.

Lý giải nguyên nhân gây ra nghịch lý kinh tế tăng trưởng - nội địa yếu kém, ông Thiên chỉ ra do xu hướng suy giảm tăng trưởng kéo dài; lạm phát thấp, lãi suất cao kéo dài; doanh nghiệp giỏi chống chịu nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; tình trạng thừa tiền - thiếu vốn; doanh nghiệp khát vốn, đói vốn nhưng không thể, không dám vay; các “đầu tàu” kinh tế chạy chậm hơn toa tàu; ngoại lực lấn át…

Cốt lõi vấn đề, theo chuyên gia, do nền kinh tế thị trường thiếu các nền tảng thị trường tốt; nền kinh tế thị trường nhưng ít và chậm tôn trọng các nguyên lý thị trường (quyền sở hữu, bình đẳng, cạnh tranh tự do). Ngoài ra, do mô hình đầu cơ; duy trì lâu cơ chế cũ và cấu trúc kinh tế nhị nguyên.

Đặc biệt, hiện nay đang gặp khó bởi bộ ba điểm nghẽn “tam bất thông” là: nguồn lực bất thông suốt, cơ chế bất thông thoáng và quản trị bất thông minh. Cần phải tập trung tháo gỡ 3 điểm nghẽn đó, nếu làm được điều đấy thì môi trường đầu tư sẽ tốt lên, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh khó khăn từ nội tại của nền kinh tế, theo ông Thiên, Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn từ những xu hướng phát triển của toàn cầu.

Tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"

Đề cập về triển vọng 2025, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức già hoá dân số, xung đột toàn cầu… đòi hỏi tích hợp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đó là những thách thức sống còn nhưng đồng thời là cơ hội cho Việt Nam vươn lên.

bức tranh kinh tế Việt Nam

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thời gian gần đây, đã có những tín hiệu tích cực, nhất là với thông điệp mới về "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Với thông điệp đầy mạnh mẽ, quyết liệt này, ông Thiên đánh giá, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã nhìn thấy những "sự thật" tối màu của nền kinh tế và có hướng đi đúng đắn để xử lý những bất cập, tạo đà cho tăng trưởng.

Trong đó, vấn đề về cải cách thể chế được nêu ra một cách mạnh mẽ, nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" cho tăng trưởng kinh tế.

Về bất động sản, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, thứ nhất, hiện nay quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành. Các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch 6 vùng và quy hoạch 63 tỉnh sẽ là cơ sở và định hình khuôn khổ cho sự phát triển dài hạn. Trong đó, với quy hoạch không gian gắn với bất động sản, đô thị, ông Thiên lưu ý các nhà kinh doanh chiến lược cần phải tìm đọc những cái tài liệu này để không xảy ra những va vấp không đáng có.

Thứ hai là về cơ chế đặc thù, hiện nay nhiều địa phương đang xin cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng, về tài chính, ngân sách, về quản lý đô thị, về tài nguyên môi trường, về biên chế bộ máy của chính quyền đô thị... Hơn nữa, với 03 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động thay đổi chiến lược đầu tư, kinh doanh cho phù hợp với thực tiễn.