Chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV/2022 tăng 0,67% thì CPI cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021. Mức tăng này thấp hơn so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 4%.

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó: 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 9 nhóm có chỉ số giá tăng.

Tính chung quý IV/2022, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cuối năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng CPI là khoảng 4%. Như vậy, mục tiêu này đã được hoàn thành.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74% so với năm trước. Chỉ số giá USD tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09% so với năm trước.

Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Nhận định xu hướng giá cả năm tới, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, mặc dù mặt bằng giá năm 2022 cơ bản được kiểm soát, song áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ukcraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Song song với đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

Do vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.

 

CPI tháng 10 giảm nhưng có thể tăng trong 2 tháng cuối năm Hoàng Hà