Chứng khoán Mỹ bàng quan với dữ liệu lạm phát

Các chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa không có nhiều thay đổi vào 10/8 khi hầu hết các mức tăng trước đó đã bị dao động do các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Mỹ và liệu chứng khoán có còn dư địa để tăng cao hay không…

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 52,79 điểm (+0,15%) lên 35.176,15 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,12 điểm (+0,03%) lên 4.468,83 điểm và Nasdaq Composite tăng 15,97 điểm (+0,12%) thành 13.737,99 điểm.

Trong giờ giao dịch đầu tiên, ba chỉ số chuẩn của chứng khoán Mỹ đều đã tăng hơn 1% khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. Tuy nhiên, giá cổ phiếu bắt đầu chùng xuống từ cuối buổi sáng trở đi và dao động giữa vùng tích cực và tiêu cực trong phần lớn thời gian buổi chiều.

Các lĩnh vực S&P chính chia đều theo hai hướng, chẳng hạn như công nghiệp và bất động sản đỏ lửa trong khi dịch vụ truyền thông lại ghi nhận sắc xanh.

Năng lượng, trong số những lĩnh vực hoạt động kém nhất năm nay, đã đạt mức tăng thứ sáu liên tiếp, chỉ còn thiếu một chút so với đà tăng bảy ngày, được đánh giá là tốt nhất của năm, vào thời điểm từ 23/3 đến 3/4.

Mức tăng khiêm tốn của ngày 10/8 mới là phiên tích cực thứ hai trong tháng 8 đối với S&P 500 và Nasdaq Composite, vì các nhà đầu tư đã tranh thủ chốt lãi sau 5 tháng khả quan trên cả hai chỉ số nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ lớn.

"Rất nhiều định giá công nghệ được xác định dựa trên tình hình lãi suất, nhưng theo tôi, chưa có gì trong các con số để có thể khẳng định rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Trên thực tế, thị trường thậm chí có thể thấy một mức tăng 0,25 điểm nữa trước khi kết thúc năm”, ông Gregg Abella, Giám đốc điều hành của Investment Partners Asset Management lưu ý.

Đà tăng của các cổ phiếu siêu vốn hoá cũng phần nào bị hạn chế bởi xu hướng đi lên của Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Lợi suất của trái phiếu chuẩn đã tăng trở lại trên 4% vào 10/8.

Apple và Nvidia Corp lần lượt giảm 0,1% và 0,4%, trong khi Alphabet Inc đi ngang và Microsoft đóng cửa với mức tăng khiêm tốn.

Về mặt thu nhập, Walt Disney tăng 4,9% sau khi vượt qua ước tính của Phố Wall về lợi nhuận điều chỉnh hàng quý trên mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu công ty thời trang đa quốc gia Capri vượt 55,7% sau khi đối thủ lớn Tapestry cho biết họ sẽ mua công ty mẹ của thương hiệu Michael Kors trong một thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ USD. Cổ phiếu của Tapestry giảm 15,9%.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba thêm 4,6% khi tập đoàn thương mại điện tử báo cáo doanh thu hàng quý khả quan nhờ tâm lý người tiêu dùng được cải thiện.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 11,82 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,95 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,2% so với một năm trước vào tháng 7, dấu hiệu cho thấy lạm phát đã giảm đi phần nào sức ép đối với nền kinh tế Mỹ.

screen-shot-2023-08-11-at-82802-am-1343.png
Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 7

Không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI cốt lõi đã tăng 0,2% trong tháng, phù hợp với ước tính và tương đương với tỷ lệ 12 tháng là 4,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Đóng góp chủ yếu cho mức tăng của tháng 7 là chi phí chỗ ở, bao gồm việc thuê nhà và mua nhà. Đây được xem là cơ sở để Fed có thể sẽ sớm tạm dừng các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt, các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ cho biết sẽ dựa vào số liệu cụ thể để cân nhắc các quyết định về lãi suất tiếp theo, đảm bảo cân bằng giữa việc giảm lạm phát và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly đã bày tỏ thái độ thận trọng đó, nói rằng mặc dù dữ liệu lạm phát gần đây đang đi đúng hướng, nhưng cần có nhiều tiến bộ hơn nữa trước khi bà cảm thấy tự tin rằng Fed đã làm đủ trách nhiệm của mình.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào sáng 11/8 nhờ tín hiệu lạc quan từ nhóm các nhà sản xuất OPEC rằng nhu cầu dầu sẽ mạnh mẽ vào năm 2024, đi kèm với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dầu thô Brent tăng 7 cent lên 86,47 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 12 cent lên 82,94 USD/thùng.

Cả hai điểm chuẩn đều có mức tăng bền vững kể từ tháng 6, với WTI giao dịch hôm 9/8 ở mức cao nhất trong năm nay và dầu Brent đạt mức giá tốt nhất kể từ tháng 1.

Việc giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao có liên quan đến các thông báo gia hạn cắt giảm sản lượng của Arab Saudi và Nga, bên cạnh những lo ngại về nguồn cung do khả năng xung đột giữa Nga và Ukraine ở khu vực Biển Đen đe dọa các chuyến hàng dầu của Nga.