Mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may không mấy khả quan trong những tháng đầu năm, tuy nhiên đã le lói nhiều tín hiệu hồi phục...
Công ty Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo phân tích và dự phóng hiệu quả kinh doanh của ngành dệt may trong giai đoạn tới.
VNDirect cho biết, hoạt động xuất khẩu phục hồi sau 7 tháng đầu năm 2023, do nhu cầu sử dụng sản phẩm may mặc vào quý cuối năm có xu hướng tăng để phục vụ cho các dịp lễ Tết.
Các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc đã tiêu thụ tăng trở lại trong quý 2/2023, thêm vào đó là việc hàng rào thuế quan cho sản phẩm may mặc xuất khẩu sang EU tiếp tục được hạ xuống nhờ EVFTA. Đây là những yếu tố giúp cho cổ phiếu ngành dệt may trên đà hồi phục.
Sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu
Kinh tế thế giới không thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp. Có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm, một trong số đó là ngành dệt may. Dù các doanh nghiệp dệt may vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng các chỉ số đang có dấu hiệu phục hồi.
Theo số liệu ước tính từ Bộ Công Thương, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam đạt mức 21,5 tỷ USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7/2023 đã 4,1% so với tháng trước, đạt 3,65 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu xơ sợi tăng 2,5% lên 988.300 tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,48 tỷ USD giảm 19,9% so với cùng kỳ do giá bán giảm sau khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa, bông cotton) hạ nhiệt từ vùng cao trong nửa đầu năm 2022.
Theo đó, sản lượng xuất khẩu xơ sợi tính riêng tháng 7 ước đạt 160 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ và tăng 45,4% so với tháng 6. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ đang ở trong quá trình phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu vải và hàng may mặc đạt 19,02 tỷ USD trong 7 tháng năm 2023, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Dữ liệu của riêng tháng 7 được ghi nhận đạt 3,26 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 quý đầu năm cũng cho thấy rõ sự phân biệt giữa các nhà sản xuất sợi và các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc.
Cụ thể, doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) và Dệt may Thành Công ( MSH) có doanh thu giảm lần lượt là 15,5% và 26,7%. Trong khi đó các doanh nghiệp khác như Đầu tư và Thương Mại (TNG) tăng nhẹ 2,8%, May Việt Tiến (VGG) tăng 6% so với cùng kỳ. Đặc biệt hơn cả là May Sông Hồng (MSH) khi có doanh thu quý 2/2023 tăng trưởng ấn tượng ở mức 142% so với cùng cùng kỳ.
Mặt khác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi đã cải thiện dần từ trong nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên liệu cotton đã giảm đáng kể so với vùng giá trong nửa đầu năm 2022 và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trở lại.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Damsan (ADS) tăng 14,1%, tuy nhiên lợi nhuận ròng đạt 37,3 tỷ đồng giảm 20,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do phải gia tăng chi phí cho việc nâng cấp máy móc. Doanh thu của Sợi Thế Kỷ (STK) giảm 40,6% và lợi nhuận sau thuế giảm đến 73,4% tuy nhiên trong quý 2 doanh nghiệp này đã ghi nhận doanh thu tăng 41,5% so với quý trước. Theo đó, lợi nhuận ròng gấp 22 lần quý 1/2023.
Mặc dù vẫn còn nhiều sự chênh lệch doanh thu giữa các doanh nghiệp, tuy nhiên đã có nhiều dấu hiệu tích cực, bất chấp những khó khăn chung của toàn ngành dệt may.
Dấu hiệu tích cực từ các thị trường lớn
Trung Quốc là thị trường hồi phục rõ nét nhất ở mảng xơ sợi nhờ việc mở cửa toàn bộ nền kinh tế, trong khi thị trường Mỹ cho thấy nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may quay trở lại. Ngoài ra, việc hàng rào thuế quan cho sản phẩm may mặc xuất khẩu sang EU tiếp tục được hạ xuống nhờ EVFTA mặc dù nhu cầu chưa thực sự hồi phục.
Kim ngạch xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc của Việt Nam trong 6T2023 giảm 20,7% so với cùng kỳ, đạt mức 1,04 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị được ghi nhận trong quý 2/2023 đã tăng mạnh 42,1% so với quý trước và đạt 610,7 triệu USD, nhích nhẹ so với con số của cùng kỳ năm 2022 (tại 609,7 triệu USD).
Chỉ số giá đầu vào cho các nhà sản xuất sợi ở Trung Quốc đã tăng nhẹ 0,1% và 0,3% so với tháng trước trong tháng 5 và tháng 6, cho thấy nhu cầu đang phục hồi. Doanh số bán lẻ các mặt hàng dệt may và giày dép tính đến tháng 5/2023 đã tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,3% svck, đạt 107,6 tỷ Nhân dân tệ.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ, cũng như giảm lãi suất tiết kiệm để kích thích dòng tiền chảy ngược lại ra tiêu thụ và đầu tư. Chứng khoán VNDirect kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ cho thấy các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn vào thời gian tới. Các nhà sản xuất sợi với tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao như Damsan (ADS) sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này.
VNDirect cũng kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm may mặc tại mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhờ kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn. Giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc sang Mỹ của nước ta của riêng quý 2/2023 đã cao hơn 27,2% so với quý 1/2023 khi đạt lên mức 3,94 tỷ USD.
Tồn kho hàng hóa may mặc đã giảm đáng kể trong tháng 3, công cuộc kiểm soát lạm phát của Mỹ đang tiến triển tích cực. Công ty chứng khoán này kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED sẽ đảo chiều sau năm 2023, điều này sẽ giúp dần cởi bỏ gánh nặng lên sức tiêu thụ tại các mặt hàng không thiết yếu – trong đó bao gồm quần áo và các sản phẩm khác của ngành dệt may.
Về thị trường EU, năm 2023 các mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Trong đó, các sản phẩm thuộc danh mục B3 sẽ được giảm thuế từ 3% xuống còn 0%. Các sản phẩm thuộc danh khác như B5 có mức giảm từ 6% xuống 4% và B7 giảm từ 7,5 xuống 6%.
Những doanh nghiệp nào sẽ bứt phá trong thời gian tới
Trong bối cảnh ngành dệt may đang có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, Chứng khoán VNDirect cho rằng các doanh nghiệp như Sợi Thế Kỷ (STK), Damsan (ADS), May Sông Hồng (MSH), Đầu tư và Thương Mại TNG (TNG) sẽ có những bước đột phá vào nửa cuối năm 2023.
Theo đó, VNDirect kỳ vọng nhà máy sợi Unitex giai đoạn 1 sẽ được đưa vào vận hành thương mại trong quý 1/2024, giúp nâng tổng công suất của STK lên 96.000 tấn/năm nhằm đón đầu nhu cầu tăng trưởng cho sợi tái chế và sợi nguyên sinh, tại cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Dự kiến khi nhà máy Unitex được hoàn thiện vào năm 2025, STK sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai trên cả nước. VNDirect cũng ước tính doanh số bán hàng giai đoạn 2023-2024 của doanh nghiệp sẽ tăng lần lượt là 15% và 22% so với cùng kỳ.
ADS đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 2.984 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp đã hoàn thành được 32,5% kế hoạch doanh thu và 41,8% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Việc nhà máy sợi An Ninh đi vào hoạt động trong quý 2/2023 đã giúp ADS lọt vào top 5 các doanh nghiệp sản xuất sợi và khăn lớn nhất toàn quốc. Công ty hiện đang sở hữu 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế đạt 14.000 tấn/năm đối với sợi CD32 và 3.000 tấn/năm đối với khăn.
Tương tự, với việc MSH sẽ đưa nhà máy Xuân Trường vào hoạt động trong quý 1/2024, giúp tổng năng lực sản xuất mở rộng thêm 25%. Thêm vào đó, VNDirect kỳ vọng đơn hàng mới cho mùa xuân-hè 2024 sẽ rục rịch đến từ quý 4/2023 và đóng góp vào việc tối ưu hóa công suất nhà máy SH10.
TNG cũng là doanh nghiệp được đánh giá cao sẽ bứt phá vào giai đoạn tới khi có kết quả kinh doanh khá tích cực. Doanh nghiệp đã hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu và 33% mục tiêu lợi nhuận sau thuế. ) Ban lãnh đạo TNG cho biết công ty giảm giá bán trung bình sản phẩm để duy trì được doanh số bán hàng. Theo đó, TNG vẫn sẽ giữ được đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ vào đơn hàng ổn định từ các đối tác lâu năm như Decathlon và Columbia.
Đầu năm 2023, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47 tỷ USD, kịch bản kém tích cực hơn đạt khoảng 45 tỷ USD. Toàn ngành đang nỗ lực ở mức cao nhất để đạt 40 tỷ USD, với kỳ vọng cầu hồi phục vào quý 3, đặc biệt cao điểm quý 4/2023.