Một số văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định chưa cao, chưa theo kịp xu hướng phát triển các nguồn năng lượng; các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới điện tái tạo phải tham chiếu quốc tế… là những nhận định đáng chú ý của tỉnh Lạng Sơn, Lâm Đồng về quá trình phát triển năng lượng giai đoạn vừa qua.
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, một số văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần như: 5 Thông tư của Bộ Công thương ban hành quy định về trình tự thủ tục cấp, sửa đổi bổ sung giấy phép hoạt động điện lực trong giai đoạn 2015-2020 (gồm các Thông tư 21 năm 2020, Thông tư 15 năm 2019, Thông tư 36 năm 2018, Thông tư 12 năm 2017 và Thông tư 10 năm 2015).
Thứ hai, quy định cấp điện áp trong hệ thống điện giữa Nghị định và Thông tư chưa thống nhất. Cụ thể: trong khi Thông tư 39 năm 2015 của Bộ Công thương quy định “cao áp là cấp điện áp danh định trên 35kV đến 220kV”, thì Văn bản 57 năm 2020 của Bộ Công thương quy định “Lưới điện cao áp là lưới điện có điện áp danh định từ 1.000V trở lên”.
Đồng thời, theo tỉnh Lạng Sơn, việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) còn chậm, làm ảnh hưởng đến cơ hội cũng như thực hiện trình tự, thủ tục trong công tác đầu tư; việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng còn nhiều vướng mắc, nhất là trong đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa theo kịp với xu hướng, tốc độ phát triển các nguồn năng lượng, nhất là nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đối với phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng còn vướng mắc trong đấu nối vào lưới điện, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật…
Được biết, tỉnh đã đề xuất Bộ Công thương đề nghị xem xét, bổ sung một số nội dung về Đề án phát triển điện gió tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 vào Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Lạng Sơn đề nghị bổ sung danh mục 35 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 4.700MW, do 16 doanh nghiệp đề xuất (khoảng 3.570MW giai đoạn trước năm 2030 và 1.126MW giai đoạn đến năm 2050).
Bên cạnh đó, tỉnh trình bổ sung Quy hoạch điện VIII 2 dự án điện sinh khối có tổng công suất 50MW.
Địa phương này cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo. Điển hình là cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời không ổn định, do đó từ 1/1/2021 đến nay, việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung đang gặp nhiều vướng mắc và không thực hiện được.
Cụ thể, các nội dung quy định về giá bán điện, đấu nối lưới đối với các dự án điện mặt trời tại Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và đến nay chưa có quy định cụ thể về nội dung này. Mặt khác, EVN đã chỉ đạo các công ty điện lực thành viên dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan thẩm quyền.
Việc triển khai các dự án thủy điện, điện gió còn gặp khó khăn do công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chồng chéo, mâu thuẫn với các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch xây dựng, dẫn đến chỉ tiêu phê duyệt sử dụng đất cho công trình năng lượng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng nêu đánh giá về việc ban hành cũng như hiệu quả các văn bản liên quan đến phát triển năng lượng.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về điện lực của quốc gia đã được ban hành với thời gian khá dài (như Quy phạm trang bị điện ban hành kèm theo Quyết định 19 năm 2006 của Bộ Công nghiệp, Thông tư 40 năm 2009 của Bộ Công thương). Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời hầu hết phải tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế, chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Vì vậy, công tác thẩm định nói riêng và quản lý hoạt động xây dựng nói chung đối với các lĩnh vực điện lực, năng lượng trên địa bàn Lâm Đồng đang gặp nhiều vướng mắc.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng cho biết một số khó khăn về cơ chế chính sách liên quan thời gian qua.
Điển hình là bất cập về quy định khuyến khích áp dụng biểu giá FIT (Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời có hiệu lực đến 31/12/2020, từ năm 2021 đến nay các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành). Tương tự, các dự án điện gió sau 1/11/2021 cũng chưa có cơ chế áp dụng đấu thầu.
Ngoài ra, ghi nhận tình trạng các dự án phát triển năng lượng tái tạo hiện khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước (do nhiều ngân hàng thương mại yêu cầu tỷ lệ vốn chủ đầu tư cao (từ 30-40%) và lãi suất vay vốn cao (từ 10% trở lên). Các doanh nghiệp trong nước cũng khó vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài (dù lãi suất thấp chỉ 4-5%) do yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ.
Đáng chú ý, thiếu sự phối hợp giữa hoạt động phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống năng lượng truyền thống trong tiếp nhận và phân phối nguồn năng lượng. Hoạt động của hệ thống năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào biến đổi của điều kiện tự nhiên, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hệ thống năng lượng khi kết nối với nhau.
Theo Danh mục đề xuất các dự án điện gió tỉnh Lạng Sơn tham gia đấu thầu trong các giai đoạn quy hoạch tại Đề án tổng thể phát triển điện gió tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu 27 dự án và 8 dự án sau năm 2030.
Nguy cơ 58.000 tỷ đồng nợ xấu từ 34 dự án điện chuyển tiếp Tweet Theo dõi TheLEADER Từ khóa: điện giógiá FITcơ chế đấu thầu giá điệnđiện mặt trờiQuy hoạch điện VIII