Doanh nghiệp bất động sản vẫn bị níu chân bởi nguồn vốn và pháp lý

Mặc dù, đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các Nghị định, Công điện của Chính phủ, thị trường bất động sản 7 tháng đầu năm chưa có sự bứt phá rõ...
bất động sản
Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%). Đáng chú ý, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).

DOANH NGHIỆP CHẬT VẬT QUA THỜI KHÓ

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Xuân Nga, Tổng Giám đốc BHS Group chia sẻ, chủ đầu tư các dự án bất động sản đang là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả một số doanh nghiệp có tiềm lực, dự án chất lượng cũng gặp trở ngại.

Một số ngân hàng xem xét đến yếu tố dự án có đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, khả năng bán được hàng hay không, mới xét duyệt hồ sơ cho vay. Không chỉ gặp khó về thủ tục, ngay cả mức lãi suất đang có tín hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn ở quanh mức 11 - 13%/năm, khiến doanh nghiệp cũng phải cân nhắc thêm.

Cùng ý kiến với vị Tổng Giám đốc BHS Group, ông Diệp Đình Chung, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Nam Long cho biết, khó khăn của thị trường bất động sản đang đối mặt là rất lớn, dù có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhưng để thị trường bất động sản 2023 phục hồi và khởi sắc còn là một chặng đường dài.

"Giá không còn là yếu tố hàng đầu, thay vào đó là chính sách, thương hiệu, sức khỏe doanh nghiệp, tài chính và uy tín xây dựng từ các dự án chủ đầu tư đang triển khai", ông Chung bày tỏ.

anh-man-hinh-2023-08-04-luc-150443-8799.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đánh giá về tình tình thị trường bất động sản, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng, đến quý 4 năm nay hay quý 1/2024, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn.

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay, thị trường bất động sản bị chi phối bởi hai yếu tố chính sách điều hành và chính sách tài chính. Thời gian qua, bất động sản rơi vào "thấp điểm" do cả hai chính sách này đều bị siết chặt.

Xét trên chu kỳ của bất động sản, thị trường bất động sản 2023 đang ở điểm rơi, tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn so với chu kỳ khủng hoảng trước đây. Đó chính là động thái tích cực từ phía Chính phủ.

Theo nhận xét của Savills Việt Nam, thị trường nhà ở đang trong giai đoạn trầm lắng với nguồn cung thấp, nhu cầu sụt giảm và giá bán tăng cao. Đặc biệt, tâm lý thận trọng của người mua đang gây áp lực không nhỏ đến tính thanh khoản của thị trường.

Với tình hình kinh tế như hiện nay, rất khó đoán về diễn biến của thị trường bất động sản. Việc thị trường có phục hồi hay không, lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tài chính. Hiện các chủ dự án bất động sản đang rất thiếu nguồn vốn, người dân cũng thiếu tiền mua nhà. Muốn cho vay với lãi suất thấp thì ngân hàng phải có nguồn vốn dồi dào và người dân phải kiếm được tiền để trả nợ ngân hàng.

"Lâu nay, nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là vay ngân hàng và huy động từ việc “bán nhà trên giấy”, nhưng 2 kênh này đều đang bị tắc. Trong khi đó, việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu cũng không dễ dàng", Savills Việt Nam phân tích.

GIẢI QUYẾT HAI NHÓM VẤN ĐỀ CHÍNH

Từ những khó khăn mà doanh nghiệp đề cập, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đỗ Thành Trung cho biết, cần tập trung 2 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư của các dự án và quá trình thực hiện dự án.

Đối với nhóm vấn đề về pháp lý, những vướng mắc liên quan đến thủ tục chấp thuận trong đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận điều chỉnh trong đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư… Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để sửa đổi trong Luật Đấu thầu. Đồng thời, tham gia dự thảo về Luật Nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo các quy định của Luật.

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến tổ chức thực hiện. Vướng mắc chủ yếu ở các địa phương, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận theo pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở… được xây dựng trước thời điểm Luật Đầu tư được thi hành. Nhiều dự án đã chuyển tiếp trong thời gian dài, quy định pháp luật đã có nhiều thay đổi trong từng thời kỳ, vì vậy phát sinh nhiều vướng mắc do cách hiểu chưa thống nhất tại các địa phương và cần phải có hướng dẫn thực hiện.

Ngoài ra, tâm lý e dè, đùn đẩy, né tránh, chờ phải có hướng dẫn hoặc chỉ đạo của Trung ương thì địa phương mới thực hiện hoặc chờ các văn bản khẳng định thẩm quyền của địa phương thì mới triển khai hoặc cho rằng, cơ quan quản lý địa phương thực hiện khác nhau nên chờ cơ quan Trung ương có ý kiến cho chắc.

bo-khdt-16910601634101101201401-7344.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đỗ Thành Trung

Do vậy, Bộ kiến nghị làm sao tránh chồng chéo các quy định của các luật được ban hành, Chính phủ hướng dẫn và giải thích theo thẩm quyền về công tác quy hoạch chi tiết khi chưa có hoặc đang điều chỉnh quy hoạch phân khu quy hoạch chung theo quy định, nhất là ở khu đô thị mới và các khu đô thị đang điều chỉnh quy hoạch.

Chia sẻ về việc hỗ trợ thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu, Bộ Tài chính sẽ theo dõi, làm việc và có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn lực để thanh toán đầy đủ nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn lực, nguồn vốn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, phương thức thanh toán, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Định kỳ tổ chức các cuộc họp Tổ công tác về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp để trao đổi tham mưu về các giải pháp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên thông tin cho Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục vụ việc điều hành thị trường bất động sản và thị trường tín dụng ngân hàng. Chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động từ tháng 7/2023.

6 NHIỆM VỤ ĐỂ THỊ TRƯỜNG PHỤC HỒI

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, cơ quan ban ngành tại Hội , Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thị trường bất động sản đã có những sự phục hồi nhất định. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài nhiều năm, không thể giải quyết bằng một cuộc họp, một văn bản hay một năm, một quý.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn vướng mắc liên quan tới pháp lý, việc phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các thủ tục hành chính, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…

Một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, chậm xử lý, không dám đề xuất, không dám quyết định. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo hơn, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành cần đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt một số quan điểm chỉ đạo. Thứ nhất, cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

img2542-16910642316021046655290-968.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; trong đó, cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính.

Thứ hai, các bộ, ngành địa phương tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các ngành, vùng, địa phương, phân khu.

Thứ ba, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần và nhân dân cho người dân.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị… Đây là vấn đề có tính quy luật, được thực tiễn chứng minh.

Thứ tư, cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Cơ cấu bất động sản không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở.

Thứ năm, đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng công tác này, thực hiện thực chất, hiệu quả, không hình thức.

Thứ sáu, giải pháp về tổ chức thực hiện và giải pháp con người.

“Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện các giải pháp nói trên theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các cơ quan động viên, khuyến khích, đề cao trách nhiệm và hình thành cơ sở, hành lang pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm thực hiện công việc, miễn là vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung, vì sự phát triển; khen thưởng, kỷ luật, xử lý kịp thời, nghiêm minh”, Thủ tướng nêu rõ.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp, người dân đều phải có trách nhiệm, chung tay đoàn kết, thống nhất để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực.