Chỉ số Giá Lương thực thế giới tháng 5/2023 đã giảm xuống, chạm mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây, chủ yếu nhờ giá ngũ cốc và dầu thực vật giảm; trong khi đó, giá đường thế giới tiếp tục tăng cao.
Diễn biến chỉ số Giá Lương thực thế giới trong 12 tháng vừa qua. (Đồ hoạ: tradingeconomics.com)
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết Chỉ số Giá Lương thực thế giới (FAO Food Index) tháng 5/2023 giảm 2,6% xuống còn 124,3 điểm. Như vậy, mặt bằng giá lương thực thế giới tiếp tục xu hướng giảm sau khi bất ngờ tăng nhẹ 0,6% trong tháng 4/2023.
Chỉ số Giá lương thực thế giới phản ánh diễn biến giá của các nhóm lương thực, thực phẩm chủ chốt trên toàn cầu. Nếu so với mức cao kỷ lục xác lập hồi tháng 3/2022, thời điểm xung đột quân sự Nga – Ukraine xảy ra, thì mặt bằng giá lương thực toàn cầu hiện đã giảm hơn 22%, chạm mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây.
FAO cho biết giá lương thực thế giới tiếp tục giảm trong tháng vừa qua chủ yếu do giá dầu thực vật, ngũ cốc và sữa giảm mạnh; ngược lại, giá đường và giá thịt đã tăng lên.
Trong đó, chỉ số giá Đường trong tháng 5/2023 tăng thêm tới 5,5% so với tháng 4/2023, xác lập tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá Đường hiện đã tăng 30,9% trong bối cảnh giá đường giao dịch trên thị trường quốc tế đã vượt đỉnh 10 năm. Thị trường hiện lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng đến sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2023/2024. Đồng thời, lượng đường tồn kho trên thế giới của niên vụ 2022/2023 dự kiến sẽ ở mức thấp, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt tàu để vận chuyển đường từ Brazil cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này tăng lên.
FAO cho biết triển vọng mía đường năm nay của Brazil ở mức tương đối tích cực, các điều kiện thời tiết nông vụ được cải thiện, giá nhiên liệu tại Brazil giảm cùng với đó là việc giá dầu thô thế giới xuống thấp đang giúp kìm hãm đà tăng của giá đường.
Ngược lại, chỉ số giá Ngũ cốc tháng 5/2023 giảm 4,8% so với tháng trước và giảm khoảng 25% so với mức cao kỷ lục cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ giá gạo, giá các loại ngũ cốc chủ chốt trên thế giới đều đã giảm xuống trong tháng trước khi triển vọng nguồn cung được cải thiện.
Trong đó, giá lúa mì giảm 3,5% so với tháng 4/2023 khi nguồn cung toàn cầu niên vụ 2023/2024 được nhận định sẽ ở mức tốt và thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen tiếp tục được gia hạn. Giá ngô cũng giảm 9,8% so với tháng 4/2023 do nguồn sản lượng ngô niên vụ 2023/2024 của Brazil và Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng lên.
Giá gạo đã tiếp tục tăng lên trong tháng 5/2023 khi các quốc gia nhập khẩu gạo khu vực châu Á đẩy mạnh mua vào nhưng nguồn cung từ một số quốc gia xuất khẩu lớn như Việt Nam và Pakistan suy yếu.
Chỉ số giá Dầu thực vật trong tháng 5/2023 giảm 8,7% so với tháng 4 trước đó và giảm khoảng 48% so với cùng kỳ năm 2022 trong bối cảnh giá tất cả các loại dầu ăn chủ chốt đều giảm xuống. Trong đó, giá dầu cọ chịu áp lực giảm khi nhu cầu toàn cầu yếu và triển vọng sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn được cải thiện. Giá dầu đậu nành cũng đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp, chủ yếu do sản lượng đậu nành tại Brazil tăng vọt và lượng tồn trữ tại Hoa Kỳ cao hơn dự báo.