Dự kiến trong quý 3 tới đây, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên tới gần 76.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với quý 2/2023. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu áp lực lớn nhất.
Quý 2/2023 trầm lắng, lãi suất trái phiếu lên cao nhất 14%
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành và tỷ lệ phát hành riêng lẻ qua các quý. (Nguồn: HNX, VNDIRECT Research)
Các dữ liệu mới nhất cho thấy, sau một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có giá trị cao trong tháng 3 - thời điểm Nghị định 08 về chào bán trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 2/2023 lại trầm lắng trở lại.
Dựa trên dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 5/7/2023, VNDIRECT Research cho biết, trong quý 2/2023, thị trường chỉ ghi nhận 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng giảm 34,4% so với quý 1/2023, và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này có thể cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Đây là những nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng trong quý vừa qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị tái phiếu phát hành đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm tới 75,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị phát hành ra công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo nhóm ngành trong quý 2/2023. (Nguồn: HNX, VNDIRECT Research)
Xem thêm bài viết: "Becamex IDC bất ngờ huỷ phương án phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong quý 2/2023 khi chiếm hơn 34,9% tổng giá trị phát hành; tiếp theo là nhóm Ngân hàng (chiếm 29%); nhóm Tập đoàn đa ngành (chiếm 10,4%); nhóm Logitics (chiếm 8,5%); các nhóm ngành nghề khác (chiếm 17,2%).
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có giá trị phát hành riêng lẻ lớn nhất trong quý 2/2023 là: Công ty TNHH Phát triển Kinh Doanh Xây Dựng 3 phát hành 2.250 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 14%/năm kỳ hạn 60 tháng; Công ty CP Đầu tư phát triển Bất động sản TMT phát hành 2.015 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13,75% kỳ hạn 84 tháng; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HD Bank) phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 9,1% kỳ hạn 84 tháng.
Áp lực đáo hạn tiếp tục tăng, ngân hàng đẩy mạnh mua vào trái phiếu trước hạn
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại trước hạn (Đơn vị: tỷ đồng) qua các quý. (Nguồn: HNX, VNDIRECT Research)
Hoạt động phát hành trầm lắng nhưng hoạt động mua lại trước hạn bất ngờ tăng vọt. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2/2023 đạt hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với quý 1/2023 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời tốc độ mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5/2023.
Đáng chú ý, nhóm Ngân hàng là nhóm mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp mạnh nhất trong quý 2/2023, với tổng mức mua lại lên tới 39.842 tỷ đồng. Con số này tương đương với 63,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2/2023. Trong quý 1/2023, nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng.
VNDIRECT Research nhận định nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình.
Các ngân hàng đã mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn nhiều nhất trong quý 2/2023 là: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mua lại 5.500 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông (5.500 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (5.000 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (4.792 tỷ đồng); NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (4.500 tỷ đồng)...
Xem thêm bài viết: "Ngân hàng Tiên Phong: NIM có thể chạm đáy trong nửa đầu năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn theo quý năm 2023 - 2024 (Đơn vị: tỷ đồng). Thống kê này đã loại trừ các DN phát hành đã mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước thời gian đáo hạn kể từ 2021 cho đến ngày 26/06/2023 (Nguồn: HNX, VNDIRECT Research)
Dữ liệu cũng cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng. VNDIRECT Research ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh ngiệp trong năm nay vào khoảng 223,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,6% so với năm 2022. Trong quý 3/2023, sẽ có khoảng hơn 75,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 14,9% so với quý 2/2023.
Nhóm Bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý 3/2023. Đứng thứ 2 là nhóm Tài chính – Ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.
Do đó, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu nhiều khả năng sẽ diễn ra sôi động trong quý này, nhất là khi áp lực đáo hạn trái phiếu đang gia tăng trong nửa cuối năm.
Nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những tổ chức phát hành này có thể lựa chọn ở thời điểm hiện tại để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.