Giá vàng thế giới phục hồi trên mốc 1.950 USD/ounce khi đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm. Trong nước, vàng biến động nhẹ…
Diễn biến giá vàng thế giới trong thời gian qua
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng gần 0,8% lên mức 1.956,10 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.958 USD/ounce, tăng 13,7 USD so với sáng ngày 30/5.
Kim loại quý có được mức tăng khiêm tốn trong phiên giao dịch 31/5 nhờ sự suy yếu của đồng USD. Vàng vẫn được hỗ trợ tốt bởi nhu cầu của các nhà đầu tư và đặc biệt là các ngân hàng trung ương. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Hội đồng vàng thế giới mới đây cho thấy 24% ngân hàng trung ương có dự định tăng lượng vàng nắm giữ trong năm 2023.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã có những áp lực nhất định lên kim loại quý. Vàng có xu hướng mất đi sức hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao.
Các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng sau thay vì duy trì ở mức hiện tại, khi thỏa thuận trần nợ có thể làm giảm một số rủi ro kinh tế khiến ngân hàng trung ương yên tâm hơn về dự định của mình.
“Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ giao dịch đi ngang đến giảm cho đến khi chúng ta thấy một chất xúc tác mới", Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết.
Trái lại, giá vàng trong nước gần như đứng yên. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,02 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự ở Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Vàng PNJ đang mua vào ở mức 66,4 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 66,95 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng/lượng so với khu vực Hà Nội.
Vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold được thu mua ở mức 56,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 56,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 30/5.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 55,78 - 56,68 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Như vậy, với mức giá hiện tại, giá vàng Rồng Thăng Long tiếp tục thấp hơn vàng thương hiệu SJC gần 10,6 triệu đồng/lượng.
Sáng 31/5, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi so với phiên trước. Ngân hàng Vietcombank thông báo giá mua vào là 23.280 VND và bán ra là 23.650 VND. Eximbank niêm yết giá mua và bán ở mức 23.270 VND và 23.650 VND.
Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm 20 VND, đưa giá mua xuống còn 23.420 VND và giảm 40 VND ở chiều bán ra xuống 23.500 VND.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (không bao gồm thuế, phí) là 11 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường năng lượng thế giới, giá dầu giảm hơn 4% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 30/5. Sự lao dốc bất ngờ của giá dầu là do gia tăng lo ngại về việc liệu Quốc hội Mỹ có thông qua thỏa thuận trần nợ của Mỹ hay không. Bên cạnh đó, các thông điệp trái chiều từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới về triển vọng nguồn cung trước thềm cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này cũng khiến thị trường hoang mang.
Giá đầu Brent giao tháng 7 giảm 3,53 USD, tương đương 4,6%, xuống mức 73,54 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ đã giảm 3,21 USD, tương đương 4,4%, xuống mức 69,46 USD/thùng.
Cuối tuần này sẽ có dữ liệu về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc. Thị trường sẽ dõi theo dấu hiệu phục hồi nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này.