Hải Phòng đưa ra danh sách 137 dự án kêu gọi vốn FDI đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030…
Mới đây, UBND TP Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1675/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 137 dự án kêu vốn FDI, gồm các lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế, công nghiệp, phát triển khu, cụm công nghiệp, phát triển trung tâm logistics, phát triển mạng lưới viện nghiên cứu (R&D), phát triển đô thị, xây dựng khu xử lý chất thải.
Cụ thể, ở lĩnh vực phát triển đô thị, Hải Phòng kêu gọi đầu tư 52 dự án về xây dựng khu đô thị mới và xây dựng khu nhà ở. Những dự án có diện tích quy hoạch lớn như khu đô thị mới Bàng La (520ha), khu đô thị mới Đông Nam Hải Phòng (2.000ha), khu đô thị mới Dương Kinh - Kiến Thuỵ (200ha), khu đô thị, dịch vụ du lịch Phù Long (170,1ha), khu đô thị mới tại xã Thủy Đường và Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên (400ha)…
Tại lĩnh vực du lịch, địa phương này 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài. Trong đó, dự án xây dựng cảng tàu khách quốc tế thuộc Tổ hợp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng vốn dự kiến đầu tư khoảng 20 triệu USD, dự kiến cầu cảng này sẽ tiếp nhận các tàu biển du lịch quốc tế 5 sao có sức chứa từ 5.000 - 6.000 khách.
3 dự án khác liên quan đến phát triển khu du lịch gồm: Khu du lịch sinh thái hồ Sông Giá với vốn đầu tư 30 triệu USD; phát triển du lịch với thể thao và vui chơi giải trí tại quận Đồ Sơn trên diện tích 900 - 910 ha; khu du lịch sinh thái đô thị nghỉ dưỡng gắn với các điểm nước khoáng nóng tại huyện Tiên Lãng, quy mô 340 ha.
Đối với lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, Hải Phòng lên kế hoạch phát triển 16 khu công nghiệp tại huyện Thủy Nguyên, quận Hải An, huyện Cát hải, huyện An Dương, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy. Trong đó, khu công nghiệp Tràng Duệ 3, khu công nghiệp Tiên Lãng 1, khu công nghiệp Tiên Lãng 2, khu công nghiệp sân bay Tiên Lãng được quy hoạch diện từ 400 - 550 ha. Địa phương cũng sẽ phát triển 22 cụm công nghiệp, lớn nhất là cụm công nghiệp Tiên Cường III với diện tích 220 - 230 ha.
Hải Phòng đưa ra danh sách 137 dự án kêu gọi vốn FDI đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030
Đồng thời, Hải Phòng phê duyệt 7 khu vực kêu gọi đầu tư nước ngoài như: Khu vực phát triển công nghiệp Bến Rừng (330 ha), khu vực phát triển công nghiệp phía Tây Nam đảo Cát Hải (700 – 720 ha), khu vực phát triển công nghiệp logistics phi thuế quan Bắc Lạch Huyện (1.200 -1.300 ha), Khu vực phát triển công nghiệp đảo Cái Tráp (100 – 110 ha), khu vực phát triển công nghiệp Trấn Dương – Hòa Bình (800 – 900 ha), khu vực phát triển công nghiệp Trung Lập (500 – 600 ha), khu vực phát triển công nghiệp Tam Đa (150 – 180 ha).
Lĩnh vực phát triển trung tâm logistics có 9 dự án trong danh mục, trong đó quy mô lớn nhất là trung tâm logistics Lạch Huyện tại khu vực bến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nhằm phục vụ các dịch vụ cảng biển với quy mô 300 – 350 ha (tiềm năng thêm 500 – 650 ha).
Ở lĩnh vực phát triển mạng lưới viện nghiên cứu (R&D), có 5 dự án, bao gồm: Viện, trung tâm R&D tại quận Dương Kinh (15 – 25 ha), nghiên cứu công nghệ thông tin, phần mềm smart city (đô thị thông minh); Viện, trung tâm R&D về công nghệ cao tại Bắc sông Cấm (10 – 20 ha), tại Nam Đình Vũ (5 – 10 ha); Viện, trung tâm R&D về đại dương học, y học biển tại huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên (50 – 70 ha).
Ngoài ra, thành phố còn kêu gọi 10 dự án trong lĩnh vực giáo dục tại các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão và quận Đồ Sơn; 7 dự án trong lĩnh vực y tế tại các khu vực Bắc sông Cấm, huyện An Dương, huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy, huyện An Lão, huyện Vĩnh Bảo và quận Kiến An; 4 dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại quận Hải An, huyện Vĩnh Bảo, huyện An Dương và huyện An Lão với quy mô mỗi dự án từ 10 - 20 ha.