Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Đáng chú ý, sự thay đổi diễn ra ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh...
Sau khi một số ngân hàng công bố hạ lãi suất huy động ngay sau Tết Nguyên đán thì đến nay, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm mạnh. Có ngân hàng đã giảm gần 1 điểm phần trăm. Điều này được kỳ vọng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được giảm trong thời gian tới để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê, hiện lãi suất 10%/năm đã không còn xuất hiện trên các biểu niêm yết tiền gửi tiết kiệm của hệ thống ngân hàng. Tình trạng chênh lệch giữa lãi suất công bố và lãi suất thỏa thuận cũng không còn nhiều như trước. Lãi suất huy động hiện nay so với giai đoạn cao điểm nhất là tháng 11/2022, đã giảm khoảng 1%/năm đến 2%/năm.
Từ ngày 6/2/2023, SCB hạ lãi suất một loạt kỳ hạn. Liên tục trong thời gian qua SCB chiếm lĩnh vị trí quán quân lãi suất huy động, nhưng đến nay mức lãi cao nhất đã hạ từ 9,95%/năm xuống 9,45%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm từ 9,95%/năm xuống 9,5%/năm.
Trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Techcombank đã điều chỉnh giảm mạnh mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tối đa với nhóm khách hàng cá nhân từ 9,5%/năm xuống 9%/năm. Mức lãi suất tối đa này được ngân hàng áp dụng với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 - 36 tháng, giá trị gửi 3 tỷ đồng trở lên, và chỉ áp dụng với nhóm khách hàng Private/VIP 1.
Với 2 nhóm khách hàng Priority và Inspire, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất cao nhất cho các khoản tiền gửi tương tự lần lượt ở 8,9%/năm và 8,8%/năm. Với khách hàng thường, mức lãi suất được hưởng sẽ là 8,7%/năm.
Ngân hàng NCB cũng giảm mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn dài. So với trước Tết Nguyên đán, tại kỳ hạn 60 tháng, lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ đã giảm 0,8 điểm phần trăm xuống còn 9,1%/năm. Kỳ hạn 36 tháng giảm 0,7 điểm phần trăm xuống 9,2%/năm.
Trong khi đó, tại kỳ hạn 12 tháng - 30 tháng, ngân hàng đồng loạt giảm mức lãi suất từ 9,9%/năm xuống 9,45%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 9,6%/năm xuống 9,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 9,5%/năm xuống 9,3%/năm. Đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất được giữ nguyên tối đa 6%/năm.
MSB cũng giảm lãi suất huy động khoảng 0,2-0,4%/năm tại một số kỳ hạn. Khi gửi tiết kiệm kênh online, lãi suất tại kỳ hạn 15 - 36 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 9%/năm. Với kỳ hạn phổ biến 12 tháng, lãi suất huy động cũng giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 8,9%/năm. Còn tại kỳ hạn 6 - 11 tháng, mức lãi suất giảm xuống còn 8,8%/năm.
Trong tháng này, Sacombank không còn duy trì mức lãi suất 9%/năm như tháng trước (với cả kênh quầy và online). Các mốc lãi suất kỳ hạn 6 tháng trở lên đều đã giảm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm.
Lãi suất tiền gửi tại quầy của Sacombank hiện phổ biến ở mức 5,5-6%/năm với kỳ hạn 1 - 5 tháng. Với kỳ hạn 6 - 11 tháng 8-8,3%/năm và 8,4 - 8,65%/năm với kỳ hạn 12 - 36 tháng.
Ở kênh gửi tiền online, Các khoản tiền gửi 6 - 11 tháng đã giảm xuống 8,2 - 8,5%/năm thay vì mức 8,5-9%/năm trước đó. Kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,1%/năm xuống 8,6%/năm. Còn với các kỳ hạn trên 15 tháng, lãi suất đã giảm còn 8,7-8,85%/năm.
Giữa tháng 2 này, lãi suất huy động tại PGBank đã giảm 0,3-0,7 điểm phần trăm ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi suất cao nhất ngân hàng này áp dụng với các khoản tiền gửi cá nhân cho kỳ hạn 12-18 tháng đã giảm từ 9,5%/năm xuống còn 9%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh “Big 4” ( Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) cũng từng bước đưa lãi suất tiết kiệm về mức thấp hơn.
Tại Vietcombank và Agribank, lãi suất huy động online mới chỉ giảm ở kỳ hạn 12 tháng, bằng với mức niêm yết cho khách gửi tại quầy. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại quầy và online cùng ở mức 7,4%/năm.
Trước đó, ngày 8/2, tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, "Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã thống nhất với nhau sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường”.
Với những thông tin trên, nhiều khả năng lãi suất tiết kiệm cao nhất sẽ chỉ còn 8,7%/năm (theo biểu niêm yết sau điều chỉnh) thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay.
Đáng chú ý, duy nhất ngân hàng VietABank “ngược dòng” sau khi tăng đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất của VietABank đã chạm mức 9,5%/năm – là mức lãi suất tối đa mà các ngân hàng thương mại đã thống nhất với nhau từ cuối tháng 12/2022.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cùng tăng 0,4 điểm phần trăm tương ứng 9,3% và 9,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng - 36 tháng được niêm yết cùng mức 9,5%/năm, tăng khoảng 0,3-0,4 điểm phần trăm so với trước.
So sánh lãi suất huy động ở một số ngân hàng kỳ hạn 3 tháng So sánh lãi suất huy động ở một số ngân hàng kỳ hạn 6 tháng So sánh lãi suất huy động ở một số ngân hàng kỳ hạn 12 tháng