Sau khi thâu tóm SVC Holdings, doanh thu Tasco (mã cổ phiếu HUT) đã tăng đột biến gấp 8,5 lần nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi lại giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi thâu tóm xong SVC Holdings, Tasco hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án BOT; phân phối ô tô & xe máy; và kinh doanh bất động sản.
Công ty Cổ phần Tasco (mã cổ phiếu HUT - sàn HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 2.556 tỷ đồng, cao gấp 8,5 lần cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu hợp nhất của Tasco tăng đột biến chủ yếu nhờ nguồn thu từ kinh doanh xe ô tô sau khi hợp nhất Công ty Cổ phần SVC Holdings vào ngày 15/9/2023. SVC Holdings đang nắm giữ 54,1% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã cổ phiếu SVC - sàn HoSE), 100% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Savico Hà Nội, và 80% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Ô tô Bắc Âu.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam, Savico hiện là doanh nghiệp phân phối ô tô lớn hàng đầu Việt Nam, nắm giữ 13,5% thị phần xe ô tô mới trong nửa đầu năm nay với hơn 80 điểm kinh doanh trên toàn quốc, phân phối xe của nhiều thương hiệu lớn như: Toyota, Ford, Mitsubishi Motors, Huyndai, Suzuki, VinFast… Trong khi đó, Ô tô Bắc Âu là là đơn vị được ủy quyền nhập khẩu và phân phối chính hãng xe thương hiệu Volvo.
Mặc dù doanh thu thuần tăng mạnh nhưng giá vốn hàng bán của Tasco cũng đã tăng gấp 12,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ tăng 2,2 lần, đạt gần 271 tỷ đồng.
Cùng với sự mở rộng của hoạt động kinh doanh, các khoản chi phí của Tasco đã tăng mạnh trong quý 3/2023. Cụ thể, chi phí tài chính (toàn bộ là lãi vay) tăng 54%; chi phí bán hàng tăng gấp 17 lần; và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 46%. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tasco chỉ còn hơn 6 tỷ đồng, giảm tới 68% so với quý 3/2022.
Nhờ ghi nhận lợi nhuận khác hơn 8 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm ngoái nên lãi ròng trong quý 3/2023 của Tasco mới đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Tasco ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 3.180 tỷ đồng, tăng 317% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng chỉ đạt 29 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp này mới hoàn thành 14% mục tiêu doanh thu và khoảng 5% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HUT của Tasco từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Xem thêm: "Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chi Minh (CII): Doanh thu giảm sâu nhưng lãi ròng quý 3 vẫn tăng 86%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Tasco đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 116% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, hàng tồn kho tăng gấp 30 lần, đạt 2.948 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị xe ô tô và xe máy.
Tài sản dở dang dài hạn của Tasco tăng gần gấp 3 lần, đạt 2.548 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang phát sinh tại loạt dự án bất động sản, nổi bật là Dự án Long Hòa - Cần Giờ (715 tỷ đồng), Dự án Mercure Sơn Trà - Đà Nẵng (496 tỷ đồng)… Đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp này cũng tăng gần gấp 3 lần, đạt 1.027 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư vào loạt các công ty liên doanh, liên kết.
Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn & dài hạn của Tasco vào cuối tháng 9/2023 đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng mạnh tới 11 lần, đạt 3.115 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 3/11, cổ phiếu HUT có giá tham chiếu tại mức 18.700 đồng/cổ phiếu, tăng 32% so với thời điểm đầu năm nay.
Quỳnh Trang