Cân đối cung - cầu điện năm 2024 được tính toán trên cơ sở dự kiến tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.
Sản lượng điện 95,6 - 97,2 tỷ kWh trong 3 tháng cuối năm 2023
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 8 tháng đầu năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 186,4 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm, tình hình cung ứng điện được đảm bảo khi phụ tải thấp hơn cùng kỳ năm 2022, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng cao. Bước sang tháng 4, tình hình vận hành hệ thống điện thay đổi nhanh chóng: phụ tải tăng cao; lưu lượng nước về các hồ giảm thấp đột ngột; các nguồn nhiệt điện than bị sự cố nhiều (gồm cả các sự cố kéo dài và sự cố ngắn ngày), một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than, dẫn đến sụt giảm mực nước các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn miền Bắc. Đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương khu vực miền Bắc để đảm bảo an toàn hệ thống điện.
EVN dự kiến, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (9-12) trong khoảng 95,6 - 97,2 tỷ kWh, tăng trưởng 9,95-11,8% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế cả năm 2023 ước đạt 281,96 - 283,6 tỷ kWh (chưa tính sản lượng phụ tải tiết giảm), tăng 5,1-5,7% so với năm 2022 và đạt khoảng 99,12% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Về thủy văn, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã tính toán cập nhật với 3 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.
"Với cả 3 kịch bản tính toán, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục dần, nước về các hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tuy ở một số thời điểm công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp do bố trí lịch sửa chữa các nhà máy nhiệt điện (để chuẩn bị cho phát điện mùa khô năm sau)", báo cáo của EVN nhận định.
Theo dõi cập nhật tình hình các hồ thủy điện trên Tạp chí Công Thương tại đây.
2 kịch bản thủy điện năm 2024
Đối với năm 2024, EVN cho biết đã tính toán cân đối cung - cầu điện năm 2024 với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.
Kịch bản 1 là nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%).
Kịch bản 2 là lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023, tương ứng tần suất ~90%.
Theo EVN, trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các ngày nắng nóng. Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm tháng 6, tháng 7. Khi đó sẽ cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của 1 số khách hàng sử dụng nhiều điện sang thời điểm ngoài cao điểm.
Quyết liệt đảm bảo cung ứng điện
Đánh giá công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, song Bộ Công Thương vẫn cho rằng phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023 như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp v.v…
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo EVN, TKV, PVN và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến công tác đảm bảo cung cấp điện năm 2023, cũng như công tác chuẩn bị, đảm bảo nhiên liệu (than, khí, dầu) cho sản xuất điện. Đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục sự cố ngắn ngày; tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia, tăng cường theo dõi giám sát các thiết bị trong quá trình vận hành, chủ động xử lý khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy trong vận hành của các thiết bị.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện truyền tải dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2023 và tiếp tục thực hiện các Chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Về phía EVN, để đảm bảo cung ứng điện trong các tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, Tập đoàn tiếp tục bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy do Tập đoàn và các đơn vị thành viên (hiện chiếm 37,7% công suất lắp đặt của hệ thống), hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; tổ chức thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thuỷ triều xuống thấp.
Làm việc với TKV, Tổng công ty Đông Bắc và PVN/PVGas để đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống.
"Ngay trong Quý 3/2023, Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải thống nhất được hợp đồng cung cấp than, khí cho năm 2024", EVN nhấn mạnh.
Bên cạnh việc đề nghị cho phép tích nước các hồ thủy điện miền Bắc sớm ngay từ tháng 8/2023 với mục tiêu tích nước đầy hồ vào cuối năm 2023, EVN cũng sẽ lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thuỷ điện ở mức cao để đạt công suất thiết kế (nhất là khu vực miền Bắc) ở thời điểm cuối mùa khô 2024 một cách tối ưu theo quy định. Đề nghị và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả lượng nước xả từ các hồ thủy điện phục vụ đổ ải vụ Đông xuân năm 2023-2024, cố gắng giữ ở mức không quá 3,5 tỷ m3 như năm 2023.
Xem thêm: "Đảm bảo nước gieo cấy vụ Đông Xuân và cung cấp điện mùa khô 2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Song song với đó, ngành điện làm việc với UBND các tỉnh/TP và các hộ tiêu thụ điện lớn để tiếp tục đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023. Làm việc với các khách hàng tiêu thụ lớn để dịch chuyển thời gian sản xuất tránh giờ cao điểm của hệ thống.
Đồng thời, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cấp điện trong năm 2024-2025, đặc biệt là 4 dự án 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, các công trình phục vụ nhập khẩu điện Lào theo Hiệp định liên Chính phủ (đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống và đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ)... Tiếp tục đôn đốc các Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án vào vận hành thương mại.