Kinh tế Việt Nam còn nhiều cơ hội

Dù không đạt được một số chỉ tiêu về kinh tế xã hội trong quý I/2024 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phục hồi đà tăng trưởng, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Việt Nam là một trong những quốc gia được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cho đến năm 2029. Dẫn lại thông tin này tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét, không nên quá bi quan vào triển vọng của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tương đối tích cực nhờ vào sự quyết liệt của Nhà nước trong công tác thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, giải ngân đầu tư công và điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm trợ lực cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện tại, các nền tảng căn bản như công tác lập quy hoạch từ tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương về cơ bản đã được hoàn thành, tạo đà cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Mặt khác, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được nhiều kết quả ấn tượng, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư cũng như mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những điểm hạn chế, đặc biệt phải kể đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, số lượng giải thể, rút lui khỏi thị trường cao hơn số lượng gia nhập thị trường, thị trường bất động sản chưa phục hồi, thị trường vàng diễn biến phức tạp, thị trường du lịch bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay.

Chỉ ra những điểm yếu, theo Bộ trưởng, nguyên nhân đến từ những bất ổn của kinh tế, chính trị toàn cầu, trong khi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế rất cao nên dễ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một phần lý do đến từ những khó khăn nội tại, xuất phát từ việc Việt Nam là nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, vẫn còn những vướng mắc chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ dù rất được quan tâm nhưng vẫn chưa đóng vai trò trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng phải đối diện với thách thức về già hóa dân số và biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung vào các giải pháp mang tính ngắn hạn nhưng vẫn tính đến các tác động dài hạn.

Cụ thể, tập trung đẩy mạnh ba động lực cho tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các động lực mới như chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Một giải pháp cấp thiết được Bộ trưởng Dũng chỉ ra là cải cách thể chế, cải cách thủ tục đầu tư kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, bỏ tư duy xin – cho, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Điều này đặc biệt quan trọng để Việt Nam tận dụng những cơ hội mới như ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu chậm cải cách, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm đến các quốc gia khác thay vì triển khai các hoạt động tại Việt Nam.

Bộ trưởng nhắn gửi, cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho các dự án để khởi thông nguồn lực, từ đó tạo ra niềm tin và là tiền đề cho các nguồn lực mới thúc đẩy phục hồi đà tăng trưởng.