Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhiều trạm BOT sẽ bị chia sẻ lưu lượng, có thể bị thua lỗ…
Đó là một trong những nội dung liên quan đến các dự án BOT, hợp tác công tư PPP được các Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 vào chiều ngày 7/6.
Phải bù lỗ vì... chính sách
Theo đó, chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, hiện có tình trạng doanh nghiệp đầu tư dự án BOT, nhưng chưa kịp thu phí hoàn vốn thì Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án, khiến dự án BOT thua lỗ.
Đại biểu nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ Giao thông vận tải đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản.
Ghi nhận thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết có tình trạng doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án BOT nhưng sau đó nhà nước mở tuyến nhánh song song làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư tuyến BOT.
Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, là do trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.
"Rất nhiều dự án BOT không phải lỗi của nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của Nhà nước, mà do vấn đề kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu thực tiễn phát sinh khiến cần thiết phải mở các tuyến đường như vậy", ông nói.
Phân tích rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, nên tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư.
Đến khi kinh tế xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại, thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, chính vì thế, nhiều dự án bị ảnh hưởng.
“Sắp tới, toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông hoàn thành sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chia sẻ lưu lượng. Tuyến Dầu Giây - Phan Thiết sau khi khánh thành thì tuyến BOT trên quốc lộ 1A giảm 83% doanh thu tại Bình Thuận trong tháng 5. Nguyên nhân là đi tuyến mới vừa nhanh, vừa không mất tiền”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng
Ngay trong Luật PPP cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp.
Riêng với dự án này, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư.
Đây là một tồn tại, hạn chế, sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới sẽ đề xuất một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Muốn vậy, cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, tạo được lòng tin, sự bình đẳng cho các doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có một phương án rất hay, đó là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ vào dự án PPP, thay vì thu phí 20-25 năm thì giảm xuống khoảng 10-15 năm, như vậy mới bảo đảm tính khả thi cho dự án.
Thêm áp lực cả chục nghìn tỷ đồng
Trước đó chưa đầy 1 tháng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ bố trí 10.340 tỷ đồng mua lại 5 dự án BOT và mua một phần của 3 dự án đang gặp vướng mắc, thua lỗ.
5 dự án được đề xuất mua lại gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, TP Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đăk Lăk với 745 tỷ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi nhà nước bố trí ngân sách mua lại.
Ngoài ra, ba dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải lại không nêu được nên lấy 10.340 tỷ đồng này từ đâu. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cân đối nguồn vốn phù hợp báo cáo Chính phủ thông qua.
Trong khi đó, ngành giao thông dù được bố trí tới 366.000 tỷ đồng trong nhiệm kỳ này, nhưng Bộ trưởng vẫn chê là ít: “Chúng ta cần 462.000 tỷ đồng đề đầu tư”.
Đề xuất chi tiền mua lại dự án, nhưng khi Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn Đại biểu Đắk Lắk hỏi về việc mua lại trạm thu phí BOT km 1747, thì Bộ trưởng cho biết chưa bố trí được kinh phí.
Trạm BOT Buôn Hồ
Đáng nói, chủ trương mua lại trạm BOT km 1747 này đã được phê duyệt từ năm 2018, Bộ đã nhiều lần khẳng định "chờ đến khi nào có kinh phí sẽ mua" Do đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, trả lời như vậy không thuyết phục.
Chưa kể, khi triển khai các dự án BOT để huy động nguồn vốn xã hội, đại diện Chính phủ là Bộ Giao thông vận tải đã thuyết trình và khẳng định về tính khả thi, khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
Hơn nữa, dự án do nhà đầu tư chủ động khảo sát, tính toán lưu lượng xe, lập dự án sau đó mới đăng ký tham gia, nay báo doanh thu thua lỗ, cùng với đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải đồng thuận và có văn bản đề xuất chi ngân sách để mua lại thì cũng phải cần xem xét.
Do đó, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, sau đó lại xây thêm tuyến tránh khiến doanh nghiệp thua lỗ, và đề xuất dùng ngân sách mua lại BOT là lãng phí ngân sách nhà nước, nguồn lực của xã hội.
Dự toán chi ngân sách cho đầu tư công, và chi thường xuyên cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không có khoản nào là "mua lại các dự án BOT". Do đó đề xuất của Bộ Giao thông vận tải sẽ khó thực hiện do không có nguồn.
Ngược lại, nếu có nguồn bố trí mua lại dự án BOT thua lỗ, sẽ là tiền lệ xấu cho các hợp đồng hợp tác công - tư, trong đó có BOT về sau. Nghĩa là dự án thất bại, làm ăn thua lỗ thì lại đề xuất Nhà nước đứng ra dùng ngân sách mua lại.
Điều này đi ngược với chủ trương huy động nguồn vốn xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách. Trái lại, nó sẽ tạo thêm áp lực lên ngân sách khi phát sinh khoản chi hàng chục nghìn tỷ đồng.