Licogi (LIC): Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm quá nửa trong quý III/2022

Trong quý III/2022, doanh thu Licogi đạt 489,99 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 21,45 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu Licogi thoát lỗ nhờ lãi công ty liên doanh, liên kết

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 2,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1,07 tỷ đồng về 47,87 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 94,4%, tương ứng giảm 88,3 tỷ đồng về 5,23 tỷ đồng; chi phí tài chín tăng 132,4%, tương ứng tăng thêm 21,66 tỷ đồng lên 38,02 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lãi 62,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 28,8 tỷ đồng, tức tăng thêm 91,29 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 33,4%, tương ứng tăng thêm 11,86 tỷ đồng lên 47,35 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Licogi lỗ 37,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 2,91 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 34,59 tỷ đồng.

Doanh thu Licogi thoát lỗ trong quý III chủ yếu nhờ ghi nhận lãi từ Công ty liên doanh, liên kết tăng đột biến so với cùng kỳ.

aria-grand-700x300px.jpg

Trong năm 2022, Tổng công ty Licogi - CTCP đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.600,76 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 118,09 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 29,7 tỷ đồng, Công ty mới hoàn 25,2% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 118,09 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Licogi ghi nhận dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 174,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 434,98 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 234,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 215,3 tỷ đồng.

Được biết, từ năm 2016 tới năm 2021, Công ty đã trải qua 5 năm dòng tiền âm, dòng tiền chỉ dương năm 2019 là 22,1 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng vừa trải qua hai năm dòng tiền âm liên tục, năm 2020 ghi nhận âm 32,25 tỷ đồng và năm 2021 ghi nhận âm 434,98 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Licogi giảm 6,7% so với đầu năm về 4.237,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn đạt 1.193,6 tỷ đồng, chiếm 28,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 841,2 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 787,8 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 717,6 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 31% so với đầu năm, tương ứng giảm 378,3 tỷ đồng về 841,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 11,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 80,3 tỷ đồng lên 787,8 tỷ đồng …

Đối với tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu là 1.169,5 tỷ đồng dự án Khu đô thị Thịnh Liệt.

Điểm đáng lưu ý, danh sách đầu tư tài chính tới 30/9/2022 ghi nhận 59,26 tỷ đồng, trích lập 14,68 tỷ đồng, bằng 24,8% tổng danh mục. Trong đó, chủ yếu ghi nhận đầu tư 25 tỷ đồng vào CTCP Licogi 13 (mã LIG – sàn HNX), trích lập dự phòng 9,78 tỷ đồng; đầu tư 7,9 tỷ đồng vào CTCP Licogi 12 (mã L12 – sàn UPCoM), trích lập dự phòng 4,55 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 215,2 tỷ đồng so với đầu năm về 1.864,7 tỷ đồng và chiếm 44% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 45,8% tổng nguồn vốn).

Thêm nữa, tính tới cuối quý III, cơ cấu cổ đông chủ yếu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu 40,71% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu đông sở hữu 35% vốn điều lệ; và còn lại 24,29% thuộc về các cổ đông khác.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu LIC giảm 400 đồng về 16.400 đồng/cổ phiếu.