Loạt cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ trong nhiều năm, mang về khoản lãi lớn cho nhà đầu tư

Kết quả kinh doanh “tươi sáng”, kéo theo tỷ lệ chi trả cổ tức cao và đều đặn là nền tảng để cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng bền bỉ, bất chấp biến động không ngừng của thị trường chứng khoán…

Rủi ro cao, thu lợi lớn là nguyên tắc đã có từ lâu trên thị trường chứng khoán. Dòng tiền xoay trục nhanh giữa các nhóm cổ phiếu khiến phần lớn nhà đầu tư bị cuốn vào vòng xoáy đầu cơ mua đi, bán lại liên tục. Do đó, số lượng người đủ kiên nhẫn “ôm” một cổ phiếu tính bằng đơn vị năm, chấp nhận lãi ít trong ngắn hạn để đổi lấy thành quả trong dài hạn không nhiều.

Thế nhưng, trên thực tế xuất hiện không ít những mã cổ phiếu bất chấp những biến động “thất thường” của thị trường chung, tăng trưởng bền bỉ trong nhiều năm mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nắm giữ lâu dài.

Điển hình nhất phải kể đến cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT. Cổ phiếu công nghệ hiếm hoi trên sàn chứng khoán Việt Nam vừa lập đỉnh lịch sử mới bất chấp thị trường đang chịu nhiều áp lực điều chỉnh. Từ đầu năm đến nay, FPT đã tăng gần 40% qua đó đẩy giá trị vốn hóa lên lập kỷ lục hơn 120.000 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu FPT đang dừng ở mức 96.700 đồng/cổ phiếu.

cổ phiếu
So sánh diễn biến cổ phiếu FPT và chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Nhìn lại quá khứ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm để vươn lên trở thành một kênh dẫn vốn lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sau những thăng hoa là điểm rơi, đi kèm còn là sóng gió. Đặc biệt, vào năm 2020, chứng khoán Việt đã trải qua những phiên suy giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Sau đó, thị trường chứng khoán đã phục hồi và có những chuyển biến tích cực trong khoảng thời gian tới đây. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8/2013, chỉ số VN-Index đạt mức 1.224,05 điểm. Như vậy, sau 10 năm giao dịch (2012-2023), chỉ số VN-Index mới chỉ tăng chưa đến 2,5 lần.

Về phía FPT, chỉ có duy nhất một năm 2018 cổ phiếu FPT không ghi nhận tăng trưởng. So với thời điểm 10 năm trước, FPT đã tăng gấp hơn 13 lần, tương đương hiệu suất trung bình 29%/năm. Ngay cả khi đu đỉnh vào đầu năm 2007 (lần đầu VN-Index lên đỉnh 1.200), nhà đầu tư nắm giữ FPT đến nay vẫn lãi gấp 4,5 lần, tức là bình quân 10%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Đà tăng bền bỉ của FPT được hỗ trợ tích cực từ chính sách cổ tức đều đặn được duy trì trong nhiều năm. Những năm gần đây, doanh nghiệp này thường xuyên chia cổ tức khoảng 20% bằng tiền và 15-20% bằng cổ phiếu. Ngay trước khi bứt phá lên lập đỉnh mới, FPT cũng đã thực hiện 2 đợt chi trả cổ tức.

Việc chi trả cổ tức cao, đều đặn xuất phát từ nền tảng kinh doanh tăng trưởng ổn định được duy trì liên tục trong thời gian dài. Kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động của tập đoàn năm 2018, FPT tăng trưởng mạnh liên tục cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm.

Bước sang năm 2023, FPT đặt mục tiêu tham vọng với kế hoạch doanh thu 52.289 tỷ đồng (~2,1 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 18% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận lập được năm 2022 trước đó.

Mới đây, FPT đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với lợi nhuận kỷ lục. Cụ thể, lãi trước thuế tăng 19% so với cùng kỳ lên 1.856 tỷ đồng và tăng trưởng gần 3% so với quý liền kề trước đó, lợi nhuận ròng hơn 1.500 tỷ đồng. Kết quả này giúp tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng theo quý đáng kinh ngạc của doanh nghiệp công nghệ này.

Sau 7 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 28.429 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.069 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Mảng công nghệ vẫn đóng vai trò chủ chốt, chiếm khoảng 47% tổng lợi nhuận trước thuế tập đoàn.

anh-chup-man-hinh-2023-09-01-luc-073335-3507.png

Một “gương mặt” điển hình khác phải kể đến là cổ phiếu SLS của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La khi đang trên vùng đỉnh lịch sử với thị giá 218.400 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 31/8/2023) – thuộc top đầu sàn chứng khoán. So với thời điểm 10 năm trước, cổ phiếu này đã tăng gấp 24 lần, tương đương hiệu suất bình quân 37%/năm.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 4 niên độ 2022 - 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/6/2023), doanh thu thuần của Mía đường Sơn La đạt 550 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng 224% lên 231 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 31% lên 42%.

anh-chup-man-hinh-2023-09-01-luc-140741-5772.png
So sánh diễn biến cổ phiếu SLS và chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Trong kỳ, các chi phí như quản lý doanh nghiệp, tài chính, bán hàng không biến động nhiều. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 225 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu, 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 93%, 178% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty.

Trong những năm gần đây, Mía đường Sơn La thường có thu nhập bình quân trên mỗi cổ phiếu (EPS) ở mức cao. Niên độ 2020-2021, 2021-2022, EPS của công ty đạt lần lượt đạt 16.269 đồng và 19.162 tỷ đồng. Còn niên độ 2022 - 2023, EPS đạt 53.423 đồng.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt 1.342 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tổng nợ vay của Mía đường Sơn La khoảng 52 tỷ đồng vào cuối niên độ 2022 - 2023. Vốn chủ sở hữu là 1.181 tỷ đồng bao gồm 1.025 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng cao hàng năm là nền tảng để doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn cho cổ đông. Kể từ khi lên sàn năm 2012, chưa năm nào Mía đường Sơn La "quên" chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường lên đến trên 50%. Gần đây nhất, doanh nghiệp này đã chi gần trăm tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021-22 bằng tiền với tỷ lệ lên đến 100% cho cổ đông.

Một trong những lợi thế giúp SLS đạt được kết quả ấn tượng trên đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, ngành mía đường cũng đang hưởng lợi nhờ những thông tin tích cực từ giá đường thế giới neo cao do nguồn cung bị co hẹp bởi ảnh hưởng từ El nino và chủ nghĩa bảo hộ lương thực leo thang.

anh-chup-man-hinh-2023-09-01-luc-074111-1082.png

Không kém cạnh, cổ phiếu DP3 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (Dược phẩm TW3) cũng là một trong những mã cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ trong nhiều năm. Mặc dù là cổ phiếu thuộc nhóm ngành mang tính phòng thủ, thế nhưng sau 8 năm lên sàn, cổ phiếu này đã tăng ấn tượng gấp 16 lần, tức là bình quân đến 41%/năm. Trong khi đó, sau 8 năm, chỉ số VN-Index mới chỉ tăng gấp 2 lần. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu DP3 đang dừng ở mức 68.900 đồng/cổ phiếu, kéo theo vốn hóa doanh nghiệp đạt mức 592 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2023-09-01-luc-140508-3993.png
So sánh diễn biến cổ phiếu DP3 và chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Dược phẩm TW3 cũng là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm. Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022, tỷ lệ trả cổ tức thường dao động trong khoảng 50-80% bằng tiền mặt trên mỗi năm. Gần nhất, vào hồi tháng 3, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 2022 bằng tiền, tỷ lệ lên tới 80%. Con số này gấp đôi so với mức kế hoạch đề ra là 40%.

Trong giai đoạn 2017-2022, biên lãi gộp của Dược phẩm TW3 thuộc nhóm tốt nhất ngành đông dược vì có tỷ trọng doanh thu hàng tự sản xuất cao. Từ con số vài tỷ đồng hồi năm 2012, lợi nhuận doanh nghiệp này đã tăng lên hơn 100 tỷ đồng vào năm 2018 và vẫn duy trì được lợi nhuận trước thuế 3 chữ số từ đó tới nay. Riêng năm 2022, Dược phẩm TW3 lãi trước thuế 136 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, EPS duy trì ở mức cao với 12.021 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Dược phẩm TW3 ghi nhận hơn 226 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 7% so với 6 tháng đầu năm 2022 lên mức 55,8 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2023-09-01-luc-074447-6328.png

Không nổi bật bằng những cổ phiếu trên nhưng cổ phiếu CAP của Công ty Cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái cũng đang trên vùng đỉnh lịch sử sau giai đoạn tăng nóng vừa qua. Từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng hơn 35%. Trong 10 năm trở lại đây, CAP đã tăng gấp 25 lần, tương đương mức hiệu suất trung bình lên đến 38%/năm. Đóng cửa phiên giao dịch trong ngày cuối cùng của tháng 8 (31/8/2023), cổ phiếu CAP tăng lên mức 74.400 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù là doanh nghiệp hiếm hoi sản xuất giấy đế và vàng mã trên sàn chứng khoán nhưng công ty này lại có kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Báo cáo tài chính quý 3 niên độ 2022 - 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/6/2023) của CAP cho biết, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong kỳ kế toán này xấp xỉ đạt 50 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.

anh-chup-man-hinh-2023-09-01-luc-140648-3836.png
So sánh diễn biến cổ phiếu CAP và chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Doanh nghiệp này cho biết, việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm của công ty tương đối ổn định. Đồng thời, quý 3 niên độ 2022 - 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/6/2023) cũng là thời điểm cao trong tiêu thụ mặt hàng tinh bột sắn. Theo đó, doanh thu của công ty tăng 17% so với kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng tăng 5%; chi phí bán hàng tăng 19%.

Kết quả kinh doanh ổn định giúp CAP luôn “chăm chỉ” chia cổ tức cho cổ đông trong những năm qua với tỷ lệ rất cao, cả bằng tiền và cổ phiếu. Trong niên độ 2020-2021, CAP chia cổ tức với tổng tỷ lệ lên đến 100% (50% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu). Niên độ 2022-23, CAP tiếp tục chia cổ tức lên đến 70% bao gồm 42% bằng tiền và 28% bằng cổ phiếu.

anh-chup-man-hinh-2023-09-01-luc-074919-7607.png

Ngoài những cái tên kể trên, chứng khoán Việt Nam còn không ít cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ nhiều năm dù hiện đang không ở vùng đỉnh lịch sử. Đa phần là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất với lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng cao. Những cổ phiếu này khó tăng nóng như nhóm đầu cơ ở một số thời điểm trong ngắn hạn nhưng nếu đủ kiên nhẫn để nắm giữ nhà đầu tư có thể kỳ vọng đạt được hiệu suất vượt trội.