Mua thì khó, thuê thì đắt: Dân châu Âu đau đầu vì chỗ ở

Thị trường nhà đất ngày càng phức tạp do chi phí đi vay tăng cao đang khiến người mua tại nhà tại châu Âu nản lòng…
chau-au-1-607.jpg

Với việc chi phí đi vay quá cao, cũng như yêu cầu chứng minh thu nhập và điều kiện đặt cọc khắt khe khiến việc mua nhà trở nên khó khăn, nhiều người dân châu Âu đang bị đẩy vào tình thế phải thuê nhà. Tuy nhiên, giá thuê ở các địa điểm như London, Paris và Berlin đang ở mức cao kỷ lục, gây sức ép trên thị trường và tạo áp lực lớn cho những cá nhân và hộ gia đình có thu nhập trung bình.

châu Âu
Lãi suất thế chấp đã tăng trên khắp châu Âu khi các ngân hàng trung ương chống lại lạm phát

ÁP LỰC TRÊN THỊ TRƯỜNG NHÀ ĐẤT

Marianne B và người yêu đã sống trong một căn hộ ở Paris được bảy năm nhưng quyết định mua một căn lớn hơn sau khi đứa con thứ hai chào đời. Họ đã tìm được căn hộ hoàn hảo với mức giá vừa túi tiền. Tuy nhiên, sau đi nói chuyện với các bên cho vay, cặp đôi lại quyết định quay trở lại với thị trường thuê nhà vì một lý do: Phí suất tín dụng.

Marianne cho biết: “Việc vay 800.000 Euro sẽ khiến chúng tôi phải trả 500.000 Euro tiền lãi, trong khi trước đây vào năm 2019, 500.000 Euro chỉ phải trả 50.000 Euro vào năm 2019. Thật là không thể hiểu nổi. Chúng tôi sẽ lại phải chuyển sang thuê nhà”.

Giống như Marianne, nhiều gia đình châu Âu đang bị đẩy vào cảnh phải đi thuê nhà vì chi phí đi vay quá cao, cũng như yêu cầu về thu nhập và đặt cọc lớn khiến việc mua nhà trở nên không khả thi. Nhưng họ cũng lại đang bước chân vào một thị trường thuê nhà đang nóng lên.

Giá thuê ở các thành phố lớn châu Âu như London, Paris và Berlin đang ở mức cao kỷ lục. Và khi ngày càng nhiều người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu buộc phải chọn nhà thuê, thì việc giá tiếp tục Leo thang trên thị trường đã gây thêm áp lực cho những người thuê nhà có thu nhập thấp.

Một số cá nhân đã phải tìm đến các giải pháp khác nhau, ví dụ như sống trong xe tải đến phát triển các tiện ích Internet để nhanh tay “chộp” được những ngôi nhà mong muốn.

Tuy nhiên, có rất ít cách để giải quyết triệt để khi tình trạng đông đúc ngày càng tồi tệ hơn và nguy cơ khan hiếm nhà ở đang khiến hàng triệu thanh niên phải ở nhà với cha mẹ, định hình cuộc sống của họ cho đến tuổi làm cha mẹ và hơn thế nữa.

Giá nhà tăng cao ở London đã khiến Emily, một nghệ sĩ 29 tuổi, phải ngủ trên ghế sofa của chị gái mình từ thứ Hai đến thứ Năm. Vào cuối tuần, cô ngủ lại trong căn phòng mà người khác thuê chỉ trong tuần.

gioi-tre-chau-au-doi-mat-thach-thuc-dong-duc-9367.png
Giới trẻ châu Âu đối mặt thách thức về sự đông đúc

“Tôi không thể chấp nhận việc trả hơn 1.000 bảng Anh/tháng cho một căn phòng, nhất là nếu nó không phải là một khoản thế chấp. Bạn chỉ trả tiền để tồn tại chứ không thể tận hưởng đầy đủ những gì thành phố mang lại bởi vì bạn phải đang cố gắng giữ cho mình một mái nhà che mưa che nắng”, Emily bức xúc bày tỏ.

Ông Paul Tostevin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thế giới tại công ty bất động sản Savills, cho biết: “Giá thuê đang tăng trên khắp châu Âu do tình trạng nguồn cung hạn chế, nhu cầu mạnh mẽ từ người thuê trong nước, người thuê quốc tế cũng như những người sắp mua nhà phải chuyển sang thuê nhà trong bối cảnh lãi suất cao”.

Bà Sarah Coupechoux, người đứng đầu khu vực Châu Âu của tổ chức từ thiện nhà ở Abbé Pierre cảnh báo rằng tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ đã gây ra quá trình “chọn lọc tự nhiên” đối với những người thuê nhà, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến giới trẻ châu Âu.

Giá thuê tăng đồng nghĩa với việc những khu vực giá cả phải chăng dành cho giới trẻ đang bị thu hẹp. Những người trong độ tuổi từ 15 đến 29 có nhiều khả năng sống trong những ngôi nhà quá đông đúc, không có đủ không gian riêng cho tất cả các thành viên.

ireland-trai-qua-hieu-ung-boomberang-lon-nhat-trong-dai-dich-4502.png
Ireland trải qua "hiệu ứng boomerang" lớn nhất trong thời gian đại dịch

Họ cũng phải sống cùng cha mẹ lâu hơn. Ở các quốc gia như Ireland, Bồ Đào Nha và Ba Lan, đại dịch đã góp phần tạo ra “hiệu ứng boomerang”, trong đó thanh niên quay trở lại sống với cha mẹ vì họ không còn đủ tiền thuê nhà khi nền kinh tế bị đình trệ.

Rodrigo Martinez, trợ lý giáo sư bất động sản tại UCL, người nghiên cứu hiện tượng này, cũng cảnh báo rằng việc ở với cha mẹ lâu hơn có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo kinh tế xã hội của người trẻ về lâu dài.

Quen ở lại quê có thể khiến những người trẻ tuổi bỏ lỡ công việc phù hợp với họ và dẫn đến một vòng luẩn quẩn làm giảm cơ hội kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế quốc gia và thị trường lao động có nguy cơ đứng yên do thiếu khả năng người dân di chuyển về mặt địa lý.

CHƯA CÓ CÁC GIẢI PHÁP TRIỆT ĐỂ

Dân số đã đô thị hóa trong thời gian dài - một xu hướng cơ bản quan trọng - nhưng đại dịch Covid-19 đã tạo ra những nhóm nhu cầu mới tại các thành phố và khu vực lân cận. Rennes và Marseille ở Pháp là một trong những nơi nhận được sự quan tâm tăng vọt kể từ khi đại dịch bắt đầu, khi người thuê nhà muốn tìm nơi sống gần không gian xanh hoặc gần biển hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Mọi người trong thời kỳ đại dịch đều nhận thức rõ rằng ngôi nhà không chỉ dừng lại ở bốn bức tường”, bà Barnes nói thêm.

Các chính phủ châu Âu đã và đang tìm cách giúp giảm thiểu bớt chi phí sinh hoạt của người dân sau khi năng lượng, thực phẩm và các chi phí quan trọng khác đều tăng tốc trong những năm gần đây, cùng với chi phí nhà ở.

gia-thue-da-dat-muc-cao-ky-luc-o-mot-so-thu-do-chau-au-499.png
Giá thuê đã đạt mức cao kỷ lục ở một số thủ đô châu Âu

Trên thực tế, thị trường nhà ở trên khắp châu Âu được định hình bởi lịch sử và chính phủ. Romania có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất ở châu Âu, một “di sản” khi nước này chuyển trọng tâm sang nền kinh tế thị trường vào đầu những năm 1990.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã giúp nhiều người Romania mua được bất động sản với giá rẻ khi đất nước trải qua làn sóng tư nhân hóa và mất giá tiền tệ. Một số quốc gia cộng sản trước đây như Slovakia, Hungary, Croatia, Lithuania và Ba Lan cũng có mô hình tương tự. Ở Tây Âu, mức độ sở hữu nhà có xu hướng thấp hơn nhiều.

Một số nước đã sử dụng các công cụ chính sách để ưu tiên quyền sở hữu nhà. Ví dụ, việc giảm thuế đối với các khoản hoàn trả thế chấp đã khiến việc vay mượn trở thành một lựa chọn hấp dẫn ở Hà Lan. Ông Cournède của OECD nói thêm, điều này trái ngược với Ý, nơi không có ưu đãi thuế như vậy và các ngân hàng thận trọng hơn trong việc cho vay và hoãn trả nợ đối với các khoản vay thế chấp.

Tuy nhiên, tại các thành phố có mức nhà ở xã hội cao, các hộ gia đình có thu nhập trung bình có thể còn vất vả hơn so với những hộ gia đình có thu nhập thấp, giáo sư Yolanda Barnes của UCL cho biết.

“Nếu bạn đủ may mắn để được cấp nhà ở xã hội thì khả năng chi trả không phải là vấn đề lớn”, bà Barnes chỉ ra.

Thị trường cho thuê ở châu Âu dự kiến sẽ vẫn thắt chặt trong thời gian tới. Một số yếu tố, bao gồm chi phí xây dựng ngày càng cao, thách thức phát triển và chi phí nợ đi vay tăng sẽ tiếp tục góp phần khiến nguồn cung nhà ở bị hạn chế và gây ra áp lực cho thị trường nhà thuê.

chau-au-3980.jpg

Dữ liệu từ Savills cho thấy, Lisbon của Bồ Đào Nha là một trong những nơi ghi nhận mức tăng giá thuê nhà nhanh nhất trong sáu tháng đầu năm nay, một phần là do các chính sách kiểm soát tiền thuê sắp ban hành đã khiến một số chủ nhà “vội vã” tăng tiền thuê trước.

Ở Berlin, trong khi việc áp trần giá thuê đã bị hủy bỏ cách đây hai năm, thì các biện pháp kiểm soát tiền thuê khác ở một số bất động sản nhất định có nghĩa là cư dân ở đó được hưởng mức giá rẻ cho những ngôi nhà rộng rãi, trong khi những người nơi khác phải chịu giá cao hơn và chủ nhà nắm giữ quyền lực to lớn.

Trong khi giá thuê trung bình ở một số nước bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ, thì chi phí nhà ở tại các trung tâm việc làm và các điểm nóng du lịch châu Âu vẫn tiếp tục lập mốc cao mới. Nhưng tình trạng thiếu nhà ở đang khiến những khu vực này không thể đáp ứng nhu cầu; đồng nghĩa với nguy cơ vô gia cư ngày càng gia tăng.

Boris Cournède, người đứng đầu bộ phận kinh tế công tại OECD lưu ý: “Nếu tôi phải đưa ra lời giải thích bằng một từ cho vấn đề thì đó là: nguồn cung”

“Những thành phố này đang là nạn nhân của sự thành công của chính họ”, bà Yolande Barnes, giáo sư tại Viện Bất động sản Bartlett của Đại học London nhận xét.