Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định…
Ngày 30/8/2023, tại Nhà Quốc hội, đã diễn ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khóa XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Góp ý về vấn đề thu hồi đất đối với một số dự án bị tắc nghẽn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án.
Đại biểu nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn, các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể.
Về Điều 9 phân loại đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Ban soạn thảo đã chú ý đến nhóm đất (đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trú tro cốt) có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên để thực hiện được, đại biểu đề nghị cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn việc sử dụng quỹ đất này hiệu quả, trang trọng, đảm bảo vệ sinh, văn minh và nhân văn.
Cũng tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hàng năm tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra. Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc.
Ngoài hai ý kiến trên, tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Hà Nội) nêu rõ, trong quá trình sửa đổi luật, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Uỷ ban Kinh tế đã rất quan tâm chỉ đạo, thể hiện sự thận trọng vì lợi ích quốc gia. Dự thảo Luật trình Hội nghị lần này đã thể hiện rõ sự thận trọng với tinh thần vấn đề nào đã rõ thì kết luận, vấn đề nào chưa rõ thì phải làm rõ thêm để có tính thuyết phục cao.
Đại biểu cho rằng, khi nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân, vì vậy, cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất.
Theo đại biểu, thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích. Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển,… mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau. Khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương thì cần xác định vị trí đất có thể làm được gì để có lợi nhất đối với đất nước và địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đất có vị trí nhất định, diện tích nhất định thì cần phải làm gì có lợi nhất cho đất nước, địa phương thì đó là lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, nếu vị trí đất đó làm đường giao thông là tốt nhất thì phải thu hồi đất để làm giao thông. Thu hồi đất để làm dự án có ý nghĩa nhất với quốc gia, địa phương thì Nhà nước thu hồi vì lợi ích của đất nước, địa phương.
Về phương pháp định giá đất, đại biểu đề nghị quy định trong luật là phương pháp xác định đền bù cho người dân, xác định chi phí đền bù. Giá đất là do doanh nghiệp thỏa thuận với người dân nên không quy định trong luật nhưng phải quy định nguyên tắc đền bù.