Muốn tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp cần khai thác tốt hơn trên chính "sân nhà"

Bên cạnh việc tìm kiếm các thị trường mới, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để khai thác tốt hơn trên chính “sân nhà” của mình.

Tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp là việc sống còn tại thời điểm này.

Tập trung 3 trụ cột cải cách chính

Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã cho thấy những khó khăn rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về tình trạng suy giảm đáng kể của tổng cầu. Sau những hệ lụy của đại dịch Covid-19, diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Theo Statista, chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) toàn cầu chỉ đạt 47,1% cho các đơn xuất khẩu mới và 48,8% cho công nghiệp chế biến, chế tạo, tức là đều dưới mức 50 điểm. Theo đó, triển vọng phục hồi nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh khó khăn, các nước càng nhìn nhận yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Liên quan đến khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), vào tháng 5/2023, các quốc gia tham gia thảo luận đã đạt được Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chủ động và tích cực tiến hành đàm phán, hoàn tất đàm phán với các đối tác nhằm nâng cấp một số FTA với Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Dù sẽ còn nhiều cân nhắc, thảo luận và kể cả nỗ lực chuẩn bị, các sáng kiến đều có điểm chung là có sự tham gia rất tích cực của các nước thành viên ASEAN, hướng tới vị thế trung tâm trong các sáng kiến hợp tác ở khu vực.

Đó sẽ là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam, tham gia hiệu quả vào xây dựng luật chơi “hiện đại” cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế, hướng tới cơ hội đầu tư, kinh doanh mới, chất lượng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ở trong nước, trong những năm gần đây, dư địa của mô hình tăng trưởng truyền thống, chủ yếu dựa trên mở rộng khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động phổ thông, hiện nay đã suy giảm đáng kể. Bối cảnh này đã đặt ra rủi ro về “bẫy thu nhập trung bình” nếu Việt Nam không sớm tìm được những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cộng hưởng với khó khăn từ suy giảm tổng cầu của thế giới, các cấu phần của tổng cầu trong nước như tiêu dùng cuối cùng, đầu tư công cũng đang gặp khó khăn không nhỏ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tương ứng tăng 1,15%,... Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định hơn, và suy giảm nhu cầu ở các thị trường chủ chốt đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp phải tìm kiếm đầu ra ở các thị trường xuất khẩu mới, cũng như từ thị trường trong nước.

doanh nghiệp Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Ảnh minh hoạ

Sự chuyển hướng ấy sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu đặt trong khung chính sách tổng thể về lưu tâm, cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chính ở đây, vai trò của các chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng, mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân là rất quan trọng.

Bà Trần Thị Hồng Minh đưa ra dẫn chứng, trong hơn 36 năm đổi mới vừa qua, nỗ lực cải cách của Việt Nam tập trung chủ yếu vào 3 trụ cột chính là cải cách thể chế kinh tế định hướng thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Những giai đoạn cải cách thể chế kinh tế định hướng thị trường và hội nhập kinh tế mạnh mẽ nhất, cụ thể là các giai đoạn 1989-1996, 2000-2007, và 2016-2019, cũng là những giai đoạn doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất, và đất nước đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội sâu sắc.

Cùng với những chuyển biến trong tư duy hội nhập, tiến trình hội nhập và cải cách thể chế kinh tế tại Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với nhau. Sự gắn bó ấy chính là nhằm mở rộng cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và người dân để hiện thực hóa tất cả cơ hội kinh tế mới.

Quảng cáo

Với tư duy ấy, cải cách thể chế kinh tế trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế không đơn thuần là điều chỉnh quy định, pháp luật để thực hiện các cam kết hội nhập, mà phải gắn với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước để tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhìn nhận yêu cầu tạo động lực tăng trưởng có chất lượng và bền vững hơn từ đổi mới sáng tạo, từ cải thiện năng suất lao động, và từ các mô hình kinh tế mới. Chính phủ cũng đã và đang cân nhắc tích cực hơn cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực; cơ chế đặc thù cho một số vùng, địa phương.

Quan trọng hơn, kinh tế Việt Nam bước đầu đã có những nỗ lực “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

4 giải pháp vực dậy sức khoẻ doanh nghiệp

Tại diễn đàn này, TS. Trần Thị Hồng Minh đã có một số đề xuất cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Qua tiếp xúc, CIEM nhận thấy, phần lớn các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu, còn chưa hiểu biết đầy đủ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định mới ở các thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, nên tăng cường đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về các “điển hình tốt” với các doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để khai thác tốt hơn trên chính “sân nhà” của mình.

muon-thao-go-kho-khan-doanh-nghiep-can-khai-thac-tot-hon-tren-chinh-san-nha_64b759f5df5e2.jpg TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Thứ hai, Chính phủ cần mở rộng không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất có thể, bền vững nhất có thể. Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm...

Trong khi bản thân các mô hình này còn tương đối mới và thiếu khá nhiều thông tin, số liệu để thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách bài bản. Chính ở đây, tư duy tích cực về cơ chế thử nghiệm phát triển các ngành này, đi kèm với tham vấn chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp, sẽ là yêu cầu quan trọng.

Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Thứ tư, phát động chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, năng suất lao động cần được nhìn nhận theo nghĩa rộng, thay vì chỉ tập trung vào đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Chính ở đây, việc rà soát, tháo gỡ các quy định gây khó khăn, các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nếu không nói là then chốt, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh. Ở một chừng mực khác, năng suất lao động quốc gia cũng phụ thuộc vào chính các nỗ lực nhằm cải thiện động lực và chất lượng việc làm ở khu vực công. Công tác xây dựng và tổ chức thực thi chính sách cần chú trọng hiệu quả và bảo đảm đủ nguồn lực thực thi.

Đặc biệt, công tác ấy phải phát huy được sự chủ động, sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân, tránh tâm lý chỉ “cầu toàn”, chỉ “làm cho xong” nhiệm vụ được giao.