Với việc cần hỗ trợ thêm cho tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ tiến hành thêm một đợt cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đâu đó trong quý 3/2023...
Rõ ràng, 2023 là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng của quý 1/2023 giảm mạnh xuống còn có 3,3% so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho những khó khăn lớn hơn. Mặc dù các chỉ số mới nhất cho thấy tình hình không đến nỗi xấu đi, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu "chạm đáy" để bật trở lại. Với bối cảnh đó, nhà điều hành chính sách tiền tệ phải cố gồng để có thể hoàn thành các mục tiêu được giao.
Tích cực đẩy tín dụng vào nền kinh tế
Ngày 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, 5 tháng đầu năm, điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh hết sức đặc biệt, chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Đây là thời gian rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước phải kết hợp cả lý luận và thực tiễn trong điều hành để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Phó Thống đốc cũng khẳng định: "Không có chính sách nào của Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước cho việc thắt chặt tín dụng hay khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Việc huy động vốn cho nền kinh tế vẫn đặt ra thường xuyên, các ngân hàng chưa được phép từ chối một khoản gửi tiền nào của người dân, doanh nghiệp và vẫn tập trung đồng vốn, mặc dù thị trường vốn trung, dài hạn đang có những khó khăn".
Phó Thống đốc cho rằng, việc tiếp cận tín dụng trong mấy tháng qua khó khăn hay không phải nhìn ở góc độ khách quan của nền kinh tế, khách quan của doanh nghiệp và chủ quan của cả hai phía doanh nghiệp và ngân hàng. Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng nhận thấy thiếu sót, nhất là trong công tác truyền thông.
Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm giai đoạn 2019-2023
Ông Đào Minh Tú cũng nêu lên các giải pháp cụ thể trong công tác điều hành và các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định;
Tập trung nguồn đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.
Quảng cáo
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; tổ chức hội nghị về các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; triển khai một số giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản, cà phê); triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Có thể hạ lãi suất điều hành thêm
Thực ra, với bối cảnh nhiều rủi ro làm chậm tăng trưởng ngày càng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ là điều dễ hiểu. Trong chưa đầy ba tháng, cơ quan này đã ba lần giảm lãi suất điều hành, mỗi lần 0,5 điểm phần trăm.
Theo HSBC, quyết định hạ lãi suất điều hành mới đây phản ánh rõ ràng sự cấp thiết của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ tăng trưởng thông qua kênh tín dụng. Đây là động thái tiếp theo nhằm giảm chi phí tài trợ vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó khuyến khích môi trường kinh doanh và hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng.
Bên cạnh sự cấp thiết trong hỗ trợ tăng trưởng, HSBC cho rằng, động thái mới của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phản ánh hai cân nhắc.
Một mặt, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tâm thế tích cực về triển vọng lạm phát, một lần nữa khẳng định "lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát". Thật vậy, lạm phát đã liên tục dịu xuống, gần đây đã xuống dưới 3% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn nhiều so với trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước nhờ giá năng lượng thế giới hỗ trợ và lạm phát lương thực trong nước được xoa dịu.
"Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% hồi đầu tháng 5, vốn thường tác động lên lạm phát sau một tháng, cũng tạo ra rủi ro tăng lạm phát nhưng trong tầm quản lý được. Trước những diễn biến gần đây, chúng tôi giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6% (trước đây là 4,0%)", nhóm nghiên cứu tại HSBC nhấn mạnh.
Một vấn đề khác Ngân hàng Nhà nước cân nhắc chính là ổn định tiền tệ. Bất chấp đồng USD mạnh lên gần đây, đồng VND vẫn duy trì tương đối ổn định nhờ tình hình tài khoản vãng lai được cải thiện. Trong khi Việt Nam phải hứng chịu những "cơn gió ngược" trong thương mại, tình hình nhập khẩu còn suy giảm nặng hơn xuất khẩu do bản chất ngành sản xuất thiên về nhập khẩu. Theo đó, thặng dư thương mại bình quân một tháng trong năm 2023 đã tăng gấp đôi lên 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, diễn biến của cặp tỷ giá USD/VND vẫn cần theo dõi sát sao vì Fed nhiều khả năng chưa hoàn tất chu kỳ thắt chặt.
Tựu chung lại, chúng tôi giảm nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 5,0% (trước đây là 5,2%) sau khi xem xét mức độ suy giảm thương mại kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng hơn kỳ vọng (xem Bảng 1). Giờ đây, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể từ Quý 4/2023, đảm bảo sự hỗ trợ hơn nữa về chính sách tiền tệ. Sau khi giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản trong Quý 2/2023, chúng tôi kỳ vọng sẽ còn một đợt giảm 50 điểm cơ bản nữa trong Quý 3/2023.
Động thái này nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4,0%, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022, đồng thời tương đương với mức giảm lãi suất trong suốt đại dịch.
"Mặc dù vậy, vẫn còn một khả năng không có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong sáu tháng cuối năm 2023 trong trường hợp tăng trưởng "chạm đáy" và bật trở lại sớm hơn kỳ vọng", HSBC nêu quan điểm.