Người tiêu dùng cần trang bị cho mình các kiến thức để tránh mua bánh Trung thu kém chất lượng gây hại sức khỏe.
Kiểm tra chất lượng bánh Trung thu.
Qua ghi nhận của phóng viên, tình trạng nhập lậu các loại bánh Trung thu gia tăng tại một số tỉnh, thành với chất lượng khó kiểm soát. Trong khi đó, nhiều năm qua, hiện tượng ngộ độc bánh Trung thu không phải là hiếm gặp bởi loại bánh này được làm từ nhiều nguyên liệu, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc...), rất dễ gây ngộ độc.
Cụ thể, tháng 10/2020, các em học sinh thuộc 4 Trường Tiểu học Long Khánh A, Long Khánh B, Tiên Thuận B, Tiên Thuận C (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) được Ban Giám hiệu tổ chức Tết Trung thu tại trường và phát bánh Trung thu cho các em ăn. Khoảng 30 phút sau khi ăn bánh Trung thu, một số em bị đau bụng được giáo viên đưa đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu cấp cứu. Đến 14 giờ chiều cùng ngày có 68 em học sinh phải nhập viện và điều trị vì ngộ độc bánh Trung thu.
Trước đó, gia đình cụ Lê Thị Tứ (95 tuổi, trú thôn Hội Trung, xã Đức Liên, Vũ Quang, Hà Tĩnh) được tặng 2 chiếc bánh dẻo. Sau khi ăn bánh, đến đầu buổi chiều cùng ngày, cụ Tứ và con dâu là bà Đặng Thị Đường đều có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, nôn mửa, tê đầu lưỡi. Cụ Tứ tuổi cao sức yếu, có bệnh cao huyết áp, đã tử vong ngay tại nhà. Bà Đường tiếp tục bị nôn mửa, đau bụng đi ngoài, huyết áp tụt, được sơ cứu truyền bù điện giải tại nhà riêng sau đó được đưa đến Phòng khám Đa khoa khu vực Đức Lĩnh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hai chiếc bánh mà cháu của cụ Tứ mua không có nhãn mác, được bọc trong bao nilon tại cửa hàng ở thị trấn Đức Thọ, có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Nghệ An.
Cũng tại Hà Tĩnh, chị Phan Thị S., trú ở thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà mở hộp bánh Trung thu và cho con gái là Nguyễn Khánh N. (20 tháng tuổi) cùng ăn. Sau khi ăn, hai mẹ con chị S. bị đau bụng và đi ngoài được đưa đến trạm y tế xã. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm. Chị S. khẳng định, trước đó, chị cùng con chỉ ăn cháo như thường ngày và đến giữa buổi sáng thì ăn bánh Trung thu.
Mới đây, sáng 15/8, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra một Hộ kinh doanh bánh kẹo tại địa chỉ số 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, tại cơ sở trên đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh Trung Thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Chủ cửa hàng đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh Trung Thu đồng thời khai nhận do nhu cầu tiêu thụ cao nên đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về phục vụ nhu cầu của người dân.
Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cũng vừa phát hiện và tạm giữ gần 500 cái bánh Trung thu, bánh bông lan các loại không nhãn hiệu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hộ kinh doanh là ông Phạm Văn Thanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Một ca ngộ độc bánh Trung thu.
Một số địa chỉ mua bánh Trung thu uy tín
1. Bánh Trung thu Bảo Phương (183 Thụy Khuê/201A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội; Điện thoại: 0243.8230797): Tiệm bánh cổ truyền hơn 60 năm, hương vị cổ xưa. Giá bán từ 40.000 – 65.000đ/chiếc tùy từng loại.
2. Bánh Trung thu Bánh Mứt Kẹo Hà Nội (54A Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; Hotline: 0243.7736218): Đặc trưng hương vị Hà Thành có lịch sử từ năm 1964, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
3. Bánh Trung thu Đồng Khánh (62 Đường Trần Hưng Đạo, phường 7, quận 5, TPHCM hoặc 438 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM; Hotline: 0919593159): Thương hiệu nổi tiếng ngon nhất Sài Gòn. Giá tham khảo từ 25.000 - 2.150.000đ.