Thời điểm Tết Nguyên đán 2025 cận kề, điều người lao động mong chờ nhất là các khoản thưởng Tết, bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc là thưởng tết có phải tính vào khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?...
Thưởng Tết không đơn thuần chỉ là một khoản tiền mà nó còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Đó là sự ghi nhận của doanh nghiệp đối với những đóng góp của người lao động trong suốt một năm. Khoản thưởng này giúp người lao động cảm thấy được trân trọng và có thêm động lực để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Lao động năm 2019, thưởng là khoản tiền, tài sản hoặc các hình thức khác mà người sử dụng lao động trao cho người lao động, dựa trên kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Điều này có nghĩa là, doanh nghiệp không có nghĩa vụ bắt buộc phải thưởng Tết, mà quyết định thưởng hay không và mức thưởng phụ thuộc vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp và hiệu quả làm việc của người lao động trong suốt năm.
Thực tế cho thấy, việc thưởng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm thưởng tiền mặt, hiện vật, quà tặng, dịch vụ, hoặc thậm chí là các chuyến du lịch, tùy thuộc vào điều kiện và chính sách phúc lợi mà doanh nghiệp áp dụng. Trong đó, hình thức thưởng tiền mặt vẫn là phổ biến nhất.
Điều 3 Luật Thuế Thu nhập cá nhân, Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, mọi khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động đều thuộc diện thu nhập chịu thuế. Đặc biệt, các khoản tiền thưởng cũng được pháp luật quy định rõ ràng là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Mà thưởng Tết không nằm trong các trường hợp miễn thuế do đó, thưởng Tết cũng là khoản thu nhập phải nộp thuế.
Cụ thể, khi người lao động nhận thưởng Tết bằng tiền, nếu khoản thưởng vượt quá mức thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật, họ sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Thuế thu nhập cá nhân được tính trên tổng thu nhập của người lao động trong năm, bao gồm các khoản lương, tiền thưởng, thu nhập từ các hoạt động kinh doanh phụ trợ hoặc các nguồn thu nhập khác. Tổng thu nhập này sẽ được trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh theo quy định (ví dụ: giảm trừ cho bản thân người lao động, cho người phụ thuộc) để tính ra thu nhập chịu thuế. Mức thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo biểu thuế lũy tiến với các mức thuế suất khác nhau, từ 5% đến 35% tùy thuộc vào thu nhập chịu thuế.
Trường hợp người lao động nhận thưởng Tết dưới hình thức vàng hoặc các tài sản có giá trị khác, nếu tổng thu nhập của họ trong năm vượt quá mức miễn thuế, họ vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Việc thưởng Tết bằng vàng không thuộc các khoản thưởng được miễn thuế theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC. Do đó, nếu phần thưởng bằng vàng cộng với các khoản thu nhập khác trong năm vượt quá mức miễn thuế, người lao động phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.
Thực tế, giá trị của vàng sẽ được quy đổi thành tiền để tính thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ thuế suất lũy tiến. Vì vậy, dù là vàng hay tiền mặt, nếu khoản thưởng Tết vượt qua ngưỡng thu nhập miễn thuế, người lao động đều có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân.