Các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định đề nghị bổ sung một số khu vực ưu tiên cho phát triển du lịch, đô thị, khu bến cảng có nhu cầu lấn biển. Đáng chú ý, các khu vực lấn biển do tỉnh Thái Bình đề xuất có diện tích gần 7.370 ha.
Theo đó, liên quan tới dự thảo Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và môi trường đã nhận được ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 20/21 bộ, cơ quan ngang bộ và 28 tỉnh thành trực thuộc trung ương có biển.
Trong số này, một trong những nhóm ý kiến đáng chú ý là nhu cầu lấn biển của 6 địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình cho biết đang chủ trương phát triển kinh tế biển và quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1486/QĐ-TTg hồi tháng 10/2019.
Tiếp đó, tại Thông báo 167/TB-VPCP ngày 7/6/2022 thông báo kết luận của Thủ tướng có nội dung về việc cho phép tỉnh Thái Bình nghiên cứu phương án lấn biển để mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái, hiệu quả và tầm nhìn xa, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và mục tiêu cụ thể về kinh tế đến năm 2030 của dự thảo quy hoạch.
Do đó, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị bổ sung vào dự thảo báo cáo khu vực lấn biển tỉnh Thái Bình có diện tích khoảng 7.367 ha.
Chuyển động mới tại khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Chi tiết gồm: Khoảng 2.940 ha biển nằm trong Khu kinh tế Thái Bình đã được duyệt tại Quyết định 1486/QĐ-TTg trong đó có quy hoạch cảng, khu công nghiệp... Khoảng 3.076 ha biển có thể lấn biển (phía Tây giáp Khu kinh tế Thái Bình; phía Đông giáp điểm giới hạn mép trong tuyến vận tải ven biển đoạn qua Thái Bình theo Quyết định 2495/QĐ-BGTVT; phía Bắc giáp khu trú nhân tạo cho loài thuỷ sản; phía Nam giáp ranh giới vùng nước khu bến Ba Lạt và ranh giới hành chính trên biển giữa Thái Bình và Nam Định.
Và khoảng 1.347 ha biển nghiên cứu có thể lấn biển thuộc các xã Đông Long, Đông Hoàng, Đông Minh (có vị trí tiếp giáp với ranh giới ngoài phía Đông của Khu kinh tế, gắn với khu đô thị, dịch vụ Đồng Châu trong Khu kinh tế Thái Bình).
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị cho giữ nguyên, không bổ sung vào dự thảo quy hoạch các khu vực lấn biển của tỉnh Thái Bình nêu trên.
Nguyên nhân, hiện nay một số địa phương ven biển có nhu cầu lấn biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng ra biển và làm giàu từ biển, đồng thời tập trung phát triển kinh tế biển phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế tỉnh Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1486/QĐ-TTg, liên quan đến vấn đề lấn biển cũng đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình (hồi tháng 5/2022) cho phép tỉnh Thái Bình nghiên cứu phương án lấn biển để mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái.
“Tuy nhiên, các quá trình thủy thạch động lực ven bờ rất phức tạp, luôn tiềm ẩn những tác động bất lợi, thậm chí không thể đảo ngược đối với những hoạt động làm thay đổi hình thái đường bờ biển và đáy biển.
Do đó việc nghiên cứu xây dựng các tiêu chí và xác định các vùng tiềm năng phù hợp để lấn biển là cần thiết, cần được xem xét trong quá trình triển khai quy hoạch này. Đồng thời, việc đưa vào quy hoạch diện tích lấn biển phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật”, Bộ Tài nguyên và môi trường nhấn mạnh.
Tương tự, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung biển Hải Tiến thuộc huyện Hoằng Hóa nhằm phù hợp với dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung này được Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết đã tiếp thu và rà soát.
Đối với vùng ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bổ sung Khu đô thị du lịch Kỳ Ninh (du lịch văn văn hóa tâm linh gắn với du lịch biển) và Khu đô thị du lịch Kỳ Nam vào danh mục các khu du lịch để từng bước trở thành khu du lịch quốc gia gắn liền với bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hóa – lịch sử tại vùng bờ.
Về ý kiến trên, cơ quan bộ nêu quan điểm không bổ sung, lý do là 2 khu đô thị du lịch không có trong dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Riêng Đà Nẵng kiến nghị 3 vùng biển. Theo đó, địa phương này đề nghị điều chỉnh khu vực biển tại cảng Tiên Sa thành nhóm ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ (theo Quyết định 1579/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Tiên Sa sau năm 2030 sẽ chuyển đổi thành bến cảng du lịch).
Ý kiến này, theo Bộ Tài nguyên và môi trường, sẽ được đưa vào định hướng cho tương lai sau 2030.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đề nghị thống nhất giữa 2 văn bản liên quan đến vùng biển quanh bán đảo Sơn Trà.
Cụ thể, theo dự thảo quy hoạch vùng bờ, vùng biển quanh bán đảo Sơn Trà được phân loại là khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ (nhóm ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ). Tuy nhiên, theo thuyết minh báo cáo đính kèm thì vùng biển quanh bán đảo Sơn Trà được phân loại là khu vực hạn chế khai thác sử dụng tài nguyên vùng bờ.
Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, các khu ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ hiện nay chưa xác định được ranh giới nên chưa thể thể hiện lên bản đồ. Khi có phạm vi, ranh giới khu du lịch sẽ giải quyết chồng lấn và có các quy định sử dụng cụ thể cho từng vùng.
Cuối cùng là vùng biển đông giáp quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. UBND TP. Đà Nẵng cho biết, theo thuyết minh báo cáo đính kèm, tại khu vực chân bán đảo Sơn Trà (bao gồm cả hòn Sụt) được đề xuất ưu tiên cho hoạt động hàng hải (vùng K1).
Tại khu vực này, Đà Nẵng đang triển khai phục hồi rạn san hô, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh vùng này thành vùng hạn chế cho phục hồi hệ sinh thái (vùng H1).
Tuy nhiên, theo trả lời của Bộ Tài nguyên và môi trường, đây là vùng nước cảng theo Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy đề xuất ưu tiên cho hoạt động cảng biển.