Các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy quốc gia (G7) có kế hoạch thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga…
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản vào tuần này, các nhà lãnh đạo nhóm G7, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức, Itali và Anh, có kế hoạch thảo luận và triển khai các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Theo một quan chức có kiến thức trực tiếp về vấn đề cho biết, các biện pháp mới dự kiến được công bố sau cuộc họp ngày 19 - 21/5 sẽ nhắm mục tiêu tới các mánh khoé trốn tránh lệnh trừng phạt liên quan đến nước thứ ba, đồng thời tìm cách hạn chế hoạt động sản xuất năng lượng và thương mại trong tương lai của Nga.
Ở một khía cạnh khác, giới quan chức Mỹ cũng kỳ vọng các thành viên G7 sẽ đồng ý điều chỉnh cách tiếp cận của họ đối với biện pháp trừng phạt khiến tất cả hàng xuất khẩu tới Nga (hoặc ít nhất là đối với một số loại hàng hóa nhất định) sẽ tự động bị cấm, nếu chúng không nằm trong danh sách các mặt hàng được thông qua.
Chính quyền TT Mỹ Joe Biden trước đây đã thúc đẩy các đồng minh G7 đảo ngược cách tiếp cận trừng phạt của nhóm, hiện vẫn cho phép tất cả hàng hóa được bán cho Nga trừ khi chúng được đưa vào danh sách đen một cách rõ ràng. Sự thay đổi sắp tới có thể khiến Moscow khó tìm ra những lỗ hổng trong chế độ trừng phạt.
Trong khi các đồng minh không đồng ý áp dụng một cách rộng rãi cách tiếp cận hạn chế hơn, Mỹ vẫn hy vọng rằng ở những khu vực nhạy cảm nhất đối với quân đội của Nga, các thành viên G7 sẽ áp dụng biện pháp này.
Quảng cáo
Các lĩnh vực chính xác áp dụng các quy tắc mới này vẫn đang được thảo luận.
“Trong một số ít lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, khả năng cao những thay đổi mới sẽ được đồng thuận,” một quan chức giấu tên tiết lộ.
Ngôn ngữ chính xác trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 vẫn còn phải đàm phán và điều chỉnh trước khi được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh.
Hành động của G7 đối với Nga diễn ra trong bối cảnh các đồng minh phương Tây của Ukraine đang tìm kiếm những cách mới để thắt chặt các lệnh trừng phạt với Nga, từ kiểm soát xuất khẩu đến hạn chế thị thực và giới hạn giá dầu.
Một số đồng minh của Mỹ trước đó đã phản đối ý tưởng cấm thương mại trên diện rộng và sau đó ban hành miễn trừ theo từng danh mục. Ví dụ, Liên minh châu Âu có cách tiếp cận riêng và hiện cũng đang thảo luận gói trừng phạt thứ 11 kể từ tháng 3/2022, phần lớn nhắm vào các cá nhân và quốc gia tìm cách lách luật hạn chế thương mại hiện có.
"Cách tiếp cận “cấm mọi thứ trước, cho phép các ngoại lệ sau” sẽ không hiệu quả theo quan điểm của chúng tôi", một quan chức chính phủ hàng đầu của Đức cho biết. "Chúng tôi muốn các biện pháp phải thật chính xác để tránh các hậu quả ngoài ý muốn”.
Vào tháng trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết động thái cấm xuất khẩu sang nước này của G7 sẽ khiến Moscow chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. An ninh lương thực sau chiến tranh cũng được cho là một chủ đề chính tại G7.
Trong một diễn biến riêng biệt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến châu Âu trong tuần này để gặp gỡ Giáo hoàng Francis cũng như các nhà lãnh đạo từ Pháp, Ý và Đức. Các quan chức cho biết ông dự kiến sẽ phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7, trực tuyến hoặc trực tiếp, trong hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản).