Phố Wall lao dốc trong lúc nhà đầu tư “tiêu hóa” dữ liệu lạm phát

Các chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa giảm điểm vào 12/10 sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn và các nhà đầu tư đang xem xét dữ liệu giá tiêu dùng của tháng 9…

Kết thúc phiên 12/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 173,73 điểm (-0,51%) xuống 33.631,14 điểm, S&P 500 mất 27,34 điểm (-0,62%) còn 4.349,61 điểm và Nasdaq Composite trượt 85,46 điểm (-0,63%) xuống 13.574,22 điểm.

Lợi suất trái phiếu 10 năm chuẩn của Mỹ tăng trở lại sau khi dữ liệu lạm phát được công bố. Lợi suất chuẩn đã tăng cao tới 4,728%, mức cao nhất kể từ cuối tuần trước.

Trong số 11 ngành công nghiệp chính của S&P 500, ngành giảm mạnh nhất là vật liệu, giảm 1,5%. Sự gia tăng lợi suất kho bạc đặc biệt gây áp lực lên các lĩnh vực nhạy cảm như tiện ích (-1,5%) và bất động sản (-1,3%) Đây là hai lĩnh vực có mức giảm lớn thứ hai và thứ ba.

Quỹ iShares Home Construction ETF kết thúc phiên giảm 4,62%, ghi nhận mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất trong gần một năm.

Ngành S&P duy nhất tăng điểm là công nghệ thông tin (+0,1%) và năng lượng (+0,09%).

Ở các diễn biến riêng lẻ, Cổ phiếu Ford Motor mất gần 2% sau khi liên đoàn United Auto Workers (UAW) mở rộng cuộc đình công tại nhà máy lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất của công ty.

Stellantis cũng giảm 2% mặc dù công ty có khả năng ngăn chặn được cuộc đình công tiếp theo tại các nhà máy của mình khi tổ chức đàm phán với UAW.

Delta Air Lines Inc đã báo cáo kết quả quý 3 cao hơn ước tính của các nhà phân tích, nhưng hãng hàng không này đã cắt giảm triển vọng doanh thu cả năm khiến cổ phiếu giảm hơn 2%.

Cổ phiếu Birkenstock Holding trượt dốc 6,6%, bổ sung thêm mức giảm 12% vào một ngày trước đó khi nhà sản xuất dép Đức có màn ra mắt thị trường đại chúng không mấy ấn tượng, kết thúc ngày giao dịch dưới mức giá chào bán IPO là 46 USD/cổ phiếu.

Về khía cạnh kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng lên 0,4% trong tháng 9, đưa tỷ lệ hàng năm lên 3,7%, cao hơn một chút so với kỳ vọng về mức tăng lần lượt là 0,3% và 3,6%.

Chỉ số CPI cốt lõi, không bao gồm lương thực và năng lượng dễ biến động, vẫn ổn định ở mức 0,3%, nhưng tốc độ cải thiện được các chuyên gia đánh giá là “vẫn chậm chạp một cách khó chịu”.

Trong khi đó, thị trường lao động tiếp tục đảo chiều bất ngờ khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu thấp hơn dự kiến.

Chủ tịch Fed Boston Susan Collins đưa ra bình luận cho biết mặc dù khả năng nền kinh tế thoát khỏi suy thoái kinh tế đã cao hơn trước, nhưng ngân hàng trung ương có thể vẫn chưa hoàn tất việc tăng lãi suất để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Michael James, giám đốc điều hành giao dịch vốn cổ phần tại Chứng khoán Wedbush nhận xét: “Tác động lớn nhất đến thị trường trong hai tháng qua là lãi suất và lợi suất kho bạc tăng. Bất kỳ động thái có ý nghĩa nào theo cách này hay cách khác cũng sẽ có tác động đến cổ phiếu”.

Tuy nhiên, theo Công cụ giám sát lãi suất của Investing.com, khả năng tăng lãi suất vào tháng tới vẫn ở mức thấp là 12%.

Sự chú ý của nhà đầu tư có thể sớm chuyển sang mùa thu nhập bắt đầu vào 13/10, khi các ngân hàng lớn bao gồm JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup báo cáo số liệu hàng quý của họ trước khi thị trường mở cửa.

10,91 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ, cao hơn so với mức trung bình 10,75 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã có một phiên giao dịch đầy biến động khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh vượt xa kỳ vọng.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 18 cent lên 86,00 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 58 cent xuống 82,91 USD/thùng. Giá đã tăng hơn 1 USD/thùng vào đầu phiên.

Dữ liệu mới công bố của chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 10,2 triệu thùng trong tuần trước lên 424,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích về mức tăng 500.000 thùng.

Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho giải thích, tỷ lệ sử dụng lọc dầu thấp hơn và nhập khẩu ròng cao hơn đã bổ sung vào mức tăng dầu thô.