Thị trường bất động sản Đông Nam Bộ nhận tin vui từ các dự án hạ tầng giao thông

Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã, đang và sẽ triển khai sẽ tại vùng Đông Nam Bộ sẽ sớm thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực này…
Bất động sản Đông Nam Bộ
Thị trường bất động sản Đông Nam Bộ được dự báo sẽ là khu vực tiềm năng

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Đông Nam Bộ sẽ có sự chuyển biến tích cực, sớm “tăng nhiệt” trong thời gian tới.

ĐÔNG NAM BỘ LÀ VÙNG CÓ NHIỀU LỢI THẾ

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận Vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò là trung tâm lớn về du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ, công nghệ thông tin, viễn thông, logistic…

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam Bộ khoảng 735.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách Trung ương bố trí khoảng 60.800 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 cần tiếp tục huy động chừng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

1-9-8793.png

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thời gian tới, về đường bộ sẽ tập trung hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM.

Cụ thể, hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Về hàng hải sẽ nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp. Đồng thời, kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn. Hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn; tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; xúc tiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đối với hàng không sẽ đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2 để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm; nghiên cứu nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, Cảng hàng không Biên Hòa.

Còn đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM; nghiên cứu sớm đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

vanh-dai-new-2-1653878969-1653-1510-8738-1653879077-4648.png
Sơ đồ đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM

Về đường thủy nội địa, cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TP.HCM đi Kiên Lương, TP.HCM đi Cà Mau, TP.HCM đi Bến Kéo, TP.HCM đi Bến Súc...

Đáng chú ý, trong báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận quý 3/2023 của DKRA cho biết, có 8 dự án hạ tầng giao thông nổi bật trong quý, trong đó có 7 dự án thuộc vùng Đông Nam Bộ.

Cụ thể, tại TP.HCM đã khởi công gói thầu nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; cầu Long Kiểng chính thức thông xe sau 22 năm; thông xe một phần đường song hành cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; thông xe cầu Vàm Sát 2.

Tại Đồng Nai đã khởi công 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành; mở đường ĐT. 770B đi qua nhiều huyện kết nối sân bay Long Thành. Còn Bình Dương làm 16km phố đi bộ ven sông Sài Gòn.

ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN

Trên thực tế, thị trường bất động sản luôn gắn chặt và đi theo các hoạt động về hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Chính phủ đang đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, hoạt động này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bất động sản vùng Đông Nam Bộ.

Chia sẻ với phóng viên Thương Gia, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cho biết, mạng lưới hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư sẽ giúp gia tăng kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm đến các thành phố vệ tinh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

"Nhìn về các chu kỳ thị trường trước và tình hình kinh tế biến động hiện nay, nhà đầu tư cần rất cẩn trọng trong các hoạt động đầu tư, đầu cơ, lướt sóng", chuyên gia CBRE nêu.

Việt Nam với đặc thù kinh tế là nước chú trọng sản xuất, xuất khẩu và công nghiệp, hạ tầng giao thông đóng vai trò rất lớn, điển hình đối với thị trường bất động sản công nghiệp, hầu như các khu công nghiệp ở lân cận Hà Nội, TP.HCM đều không còn diện tích trống và giá thuê đã tăng cao.

Nhà đầu tư cần nhìn vào và đánh giá được tiềm năng lâu dài của khu vực, nguồn cầu đến từ đâu, ngân sách đầu tư, thời gian và mức độ rủi ro để đưa ra quyết định phù hợp.

now-that-your-eyes-are-open-make-the-sun-jealous-with-your-burning-passion-to-start-the-day-make-the-sun-jealous-or-stay-in-bed-2-3943.jpg

Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, thị trường các tỉnh lân cận TP.HCM và đã phát triển như Bình Dương và Đồng Nai, với động lực kinh tế rõ ràng sẽ ngày càng thu hút lực lượng dân cư đông đúc về sinh sống.

Đây được đánh giá là hai thị trường tiềm năng nhất tại khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thu hút cả đối tượng người mua nhà và nghỉ dưỡng, cũng là một thị trường đa dạng về nguồn cầu.

Bà Thanh còn chia sẻ thêm, khi thị trường bất động sản ở một khu vực có sự phát triển mạnh mẽ, thường sẽ đi kèm hệ luỵ như giá bất động sản bị đẩy lên khá cao so với giá trị thực, đôi khi còn sốt ảo.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương này cần có những hoạt động kiểm soát đặc biệt là siết chặt pháp lý. Tránh tình trạng dự án ảo, phân lô bán nền, gia tăng tuyên truyền thông tin đại chúng rộng rãi là rất cần thiết. Ngoài ra, chính quyền cũng đang nghiên cứu thêm các phương án, quy định mới về vấn đề này.