Từ 1/7, mức giảm phí đường bộ tại 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý sẽ giảm tương ứng với thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% giảm xuống 8%...
Theo đó, triển khai Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC sẽ điều chỉnh mức phí đường bộ đối với 4 tuyến đường cao tốc hiện đang quản lý khai thác, gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cụ thể, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có mức giảm cao nhất tương ứng với quãng đường từ Km6 đến nút giao IC12 là 22.000 đồng, mức giảm thấp nhất từ Km6 đến nút giao IC3 là 1.000 đồng.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mức giảm cao nhất 3.800, mức thấp nhất là 1.000 đồng.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mức giảm cao nhất là 14.000 đồng, thấp nhất là 1.000 đồng.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây mức giảm cao nhất là 7.000, mức giảm thấp nhất là 1.000 đồng.
Đối với việc giảm giá vé chung các trạm thu phí BOT trên cả nước, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí chuẩn bị các công việc cần thiết cho triển khai thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ có giảm thuế giá trị gia tăng trong giá vé theo quy định.
Cùng với đó, Cục cũng có văn bản hướng dẫn các nhà đầu tư BOT phương pháp xác định mức giá cụ thể sau khi áp dụng mức thuế VAT 8% đối với giá vé tại các trạm thu phí.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, về nguyên tắc, việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% theo quy định trong giá vé không làm giảm doanh thu (số thu sau khi đã nộp thuế giá trị gia tăng) của các dự án BOT.
"Giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý khi áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% trong giá vé sẽ tạo ra giá vé mới với số tiền lẻ đến đơn vị hàng đồng", theo Cục Đường bộ Việt Nam.