Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất ASEAN

Nếu quá trình phụ hồi tiếp tục được mở rộng, Việt Nam tiếp tục trên đà có được triển vọng sáng sủa hơn với dự báo mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với TheLEADER, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, cho thấy sự lạc quan với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ông cũng đưa ra một số khuyến nghị có thể giúp Việt Nam đối mặt tốt hơn với những “cơn gió ngược”, thúc đẩy tăng trưởng.

Với kết quả kinh tế nửa đầu năm khả quan hơn kỳ vọng của Việt Nam, dự báo của HSBC về Việt Nam nửa cuối năm ra sao?

Ông Ngô Đăng Khoa: Mặc dù có khởi đầu tương đối khó khăn trong quý I, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng lên gần mức cao nhất trong hai năm là 6,9% so với cùng kỳ trong quý II, vượt qua mức dự đoán của nhiều tổ chức.

Cùng với sự điều chỉnh tăng nhẹ trong mức tăng trưởng của quý I, tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên 6,4% so với cùng kỳ.

Chúng tôi tin rằng, Việt Nam vẫn đang trên đà có được triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn vào năm 2024, nếu quá trình phục hồi tiếp tục được mở rộng.

Với kết quả tăng trưởng tốt hơn mong đợi trong quý II, nhóm nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5% từ mức 6% trước đó.

Kết quả này đồng nghĩa rằng, Việt Nam có thể sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN vào năm nay, sau khi xếp sau Malaysia và Philippines lần lượt vào năm 2022 và 2023.

Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất ASEAN
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Theo ông, những yếu tố nào sẽ thúc đẩy tăng trưởng? Liệu rằng có nhân tố nào mới thời gian tới hay không?

Ông Ngô Đăng Khoa: Lĩnh vực sản xuất đã cho thấy mức hồi phục đáng kinh ngạc, với mức tăng 10% so với cùng kỳ. Điều này cũng được phản ánh qua sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu quý II ở mức 15% so với cùng kỳ.

Ở giai đoạn trước đó, quá trình hồi phục tăng trưởng chủ yếu do ngành điện tử dẫn đầu.

Bước sang quý II, trong khi xu hướng này tiếp tục được duy trì, các lô hàng thuộc các nhóm ngành khác cũng đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt may và giày dép, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ sự gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ, cũng phục hồi trở lại và đạt mức tăng trưởng hai con số trong quý vừa rồi.

Cùng với kết quả thương mại khả quan, tâm lý giữa các nhà sản xuất cũng tăng lên đáng kể.

Chỉ số PMI của tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, không chỉ vượt xa ngưỡng mở rộng 50 mà còn lên mức cao nhất trong hai năm. Điều đáng khích lệ là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm đã tăng lên mức cao nhất trong những tháng gần đây, chứng tỏ triển vọng tích cực cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Trong khi thương mại ngắn hạn đã bắt đầu khởi sắc thì triển vọng FDI dài hạn vẫn tiếp tục là một điểm sáng. Mặc dù chững lại so với mức đỉnh năm 2017, vốn FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, theo ông, đâu là những thách thức Việt Nam cần đối mặt trong nửa cuối năm nay và năm sau?

Ông Ngô Đăng Khoa: Không giống như xuất nhập khẩu, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong nước vẫn chưa quay trở lại xu hướng ở giai đoạn trước đại dịch. Dựa trên ước tính của chúng tôi, vẫn còn một khoảng cách đáng kể tương đương khoảng 10% so với giai đoạn trước đại dịch.

Trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Các nước ngang hàng như Malaysia, Singapore và Thái Lan có các chương trình miễn thị thực mở rộng. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện chính sách thị thực kể từ tháng 8 năm ngoái, vẫn có nhiều cơ hội để mở rộng chương trình này hơn nữa.

Ngoài việc nới lỏng các yêu cầu cấp thị thực, phát triển dịch vụ du lịch sẽ là chìa khóa trong việc duy trì khả năng cạnh tranh với các quốc gia lân cận, đặc biệt là khi hoạt động du lịch gia tăng trở lại sau đại dịch.

Cuối cùng, rủi ro lạm phát kéo dài cần được theo dõi chặt chẽ. Tương tự như các giai đoạn trước, nguyên nhân chính là giá dầu tăng cao và lạm phát lương thực cao. Trong khi đó, đồng VNĐ suy yếu cũng khiến lạm phát nhập khẩu trở nên căng thẳng hơn.

Ông nhận định như thế nào về hiệu quả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa của Việt Nam thời gian qua? Liệu rằng có những vấn đề nào cần phải điều chỉnh để tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng?

Ông Ngô Đăng Khoa: Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cho thấy sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Trên thực tế, GDP Việt Nam đã có bước hồi phục mạnh mẽ trong quý II. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt 6% nửa đầu năm sau giai đoạn tăng trưởng âm ở những tháng đầu năm.

Tỷ giá dù đứng trước sức ép tăng trong giai đoạn cuối quý I cũng đã cho thấy một số dấu hiệu hạ nhiệt trong vài tuần trở lại đây.

Lạm phát cũng được duy trì ở dưới mức trần 4,5% mà Quốc hội đề ra.

Chính sách tiền tệ cũng thể hiện tính linh hoạt thông qua việc NHNN áp dụng nhiều công cụ điều hành khác nhau, như tín phiếu NHNN, thị trường mở, sử dụng dự trữ ngoại hối mà không tạo ra sức ép tổng thể cho chính sách.

Về chính sách tài khoá, vấn đề mấu chốt cần chú ý ở Việt Nam là việc thực hiện mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%.

Khi đưa ra quyết định đầu tư, thuế là yếu tố then chốt nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định dòng vốn FDI. Do đó, điều quan trọng là phải cải thiện các số liệu khác, chẳng hạn như kết nối cơ sở hạ tầng, sự sẵn có của lực lượng lao động có tay nghề, sự thuận tiện trong kinh doanh và các hiệp định thương mại tự do.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là nỗ lực của Chính phủ trong quá trình đẩy mạnh đầu tư công, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trong năm nay.

Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất ASEAN 1
Tín dụng đã tăng trưởng trở lại sau nhiều tháng âm. Ảnh: Hoàng Anh

Về lãi suất, liệu rằng sắp tới Việt Nam có nên duy trì mức lãi suất thấp hay không, thưa ông?

Ông Ngô Đăng Khoa: NHNN là một trong những ngân hàng trung ương tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế.

Kể từ đó, mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ở mức thấp nhằm hỗ trợ hồi phục tăng trưởng kinh tế. Qua đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay đã đạt mức 6%.

Đối mặt với áp lực mất giá gần đây của VND cùng với mặt bằng lạm phát cao, NHNN đứng trước áp lực phải định hướng mặt bằng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, mặc dù có rủi ro nhưng đây không phải là kịch bản cơ sở của nhóm Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC.

Lạm phát dao động quanh mức trần trong quý II trước khi có khả năng giảm xuống dưới 4% so với cùng kỳ trong quý này.

Ngoài ra, với dư địa tín dụng còn khá nhiều trong những tháng còn lại của năm, cùng quyết tâm của NHNN và Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay nhằm đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, hồi phục kinh tế, việc tăng lãi suất điều hành sẽ có tác động tiêu cực đối với đà hồi phục này.

Thay vào đó, NHNN đã và đang thực hiện một số biện pháp khác, chẳng hạn như vận hành thị trường mở linh hoạt hơn.

Do đó, nhóm Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất điều hành ổn định ở mức 4,5% trong năm nay.

Về FDI, thông qua trao đổi với các khách hàng, HSBC đánh giá như thế nào về sự hấp dẫn của Việt Nam hiện nay, đâu là ngành nghề nhận được nhiều sự quan tâm? So sánh với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang có lợi thế/ hạn chế gì?

Ông Ngô Đăng Khoa: Mặc dù chững lại so với mức đỉnh năm 2017, vốn FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Không nằm ngoài nhiều dự đoán, ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất, với vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.

Mặc dù phần lớn vốn FDI tập trung ở lĩnh vực sản xuất, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng đang nổi lên, với mức tăng trưởng mạnh mẽ so với mức suy giảm năm ngoái.

Đầu tư vượt ra ngoài lĩnh vực sản xuất truyền thống cho thấy sự tiến bộ trong việc đa dạng hóa trong thu hút vốn.

Lấy ví dụ, trong một báo cáo gần đây, Chery Automobile, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, tuyên bố sẽ thành lập một nhà máy lắp ráp trị giá 800 triệu USD cùng với một công ty trong nước.

Mặt khác, một chủ đề đáng lưu tâm với các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn hiện nay là về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Đáng chú ý, ngày 5/7 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình lên Chính phủ dự thảo kế hoạch đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu 15% trong năm nay.

Mặc dù có thể quản lý được cho đến nay, nhưng các biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích duy trì dòng vốn đầu tư cần được theo dõi chặt chẽ và lưu tâm hơn.

Cảm ơn ông! 

Rủi ro tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm