Xu thế chứng khoán 1/8: Hướng về vùng 1.280 điểm

Lực cầu đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 đã tạo tiền đề tích cực giúp thị trường tiếp tục duy trì sắc xanh, tăng mạnh 15 điểm...

Chứng khoán ngày 31/7, sau khi vượt vùng giá tâm lý 1.200 điểm trong tuần trước. VN-Index tiếp tục tăng điểm mạnh trong phiên cuối tháng với mức tăng 15.23 điểm (+1,26%). Qua đó kết thúc tháng 07/2023 với mức tăng mạnh 9,17% so với tháng 6/2023 lên 1.222,90 điểm, đồng thời vượt lên vùng giá đỉnh cao nhất năm 2018 tương ứng 1.211,34 điểm. HNX-Index duy trì tích cực tăng 5,38% so với tháng 06/2023 lên mức 239,55 điểm. Động lực dẫn dắt thị trường là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong phiên đạt 26.008 tỷ đồng, vượt mức trung bình. Trong đó thanh khoản VN-Index lập kỷ lục mới, cao nhất trong 01 năm trở lại đây. Dòng tiền vẫn đang hoạt động mạnh trong thị trường, xoay vòng, gia tăng tốt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sau khi VN-Index vượt 1.200 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên HOSE với giá trị 95,03 tỷ đồng; mua ròng trên HNX với giá trị 42 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Bảy ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Bảy ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Bảy tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.

Thị trường vẫn trong giai đoạn đón nhận thông tin quý 2/2023, với hạn cuối công bố là ngày 30/07/2023. Trong đó rất nhiều mã nhóm ngân hàng có kết quả tích cực, các mã như VIC, VHM, VJC cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, là động lực chính thu hút lực cầu gia tăng mạnh trong VN30, nhiều mã tăng giá tốt, đột biến thanh khoản như VIC (+6,99%), VHM (+6,96%), VJC (+4,29%), ACB (+3,38%), BVH (+3,22%), VRE (+2,95)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh khi kết quả kinh doanh kém tích cực như MWG (-1,47%), PDR (-0,69%), HPG (-0,35%)...

Lực cầu tăng mạnh tại VN30 khiến cho nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ diễn biến phân hóa. Nhóm cổ phiếu bất động sản đa số chịu áp lực điều chỉnh trong đầu phiên sau đó phục hồi tốt trở lại trong phiên chiều như QCG (+6,92%), SJS (+3,67%), NVL (+2,72%), CEO (+2,60%), NLG (+2,04%)... ngoài các mã chịu áp lực bán mạnh với HDC (-4,27%), SCR (-2,21%), NTL (-1,50%)...

Các mã nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa phần cũng có diễn biến tích cực khi thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng như VIX (+3,29%), VND (+2,46%), CTS (+2,38%), BVS (+1,12%). Trong khi các nhóm ngành khác phân hóa mạnh hơn phụ thuộc nhiều và kết quả kinh doanh quý 2/2023.

chứng khoán
Chỉ số VN-Index ngày 31/7

Thanh khoản ở mức cao

Chứng khoán BIDV (BSC)

Thị trường hôm nay tiếp tục tăng mạnh hơn 15 điểm, kết phiên tại mốc 1.222,90. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 15/18 ngành tăng điểm, trong đó mức tăng mạnh nhất hơn 4% thuộc về ngành bất động sản, theo sau là ngành bảo hiểm, du lịch và giải trí,…

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Trong ngắn hạn thị trường có thể xuất hiện sự rung lắc sau đợt hồi phục mạnh, tuy nhiên, trong những phiên gần đây, thanh khoản ở mức cao trong những phiên tăng cho thấy thị trường vẫn đang ủng hộ đà tăng của chỉ số về vùng 1.280.

Giao dịch cân bằng

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sau nhịp mở gap đầu phiên, VN-Index diễn biến rung lắc giằng co trước khi mở rộng biên độ tăng điểm về cuối phiên. Lực mua chủ động gia tăng tiếp tục áp đảo bên bán đã giúp cho chỉ số có một phiên chớm phá ngưỡng cản mạnh quanh 1.22x.

 

Mặc dù áp lực rung lắc sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn trong quá trình đi lên, VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục và mở rộng đà tăng điểm trở lại với ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.200.

Nhà đầu tư được khuyến nghị giao dịch cân bằng, bán hạ tỷ trọng tại các nhịp vượt đỉnh và chỉ mở mua trở lại khi chỉ số về quanh ngưỡng hỗ trợ.

Tín hiệu tích cực

Chứng khoán KIS

Thị trường chứng khoán chứng kiến một ngày tăng mạnh cùng với thanh khoản ở mức cao, nhờ dòng vốn vào được đẩy mạnh trong phiên. Điều đó cho thấy tâm lý tích cực của giới đầu tư đối với thị trường trong nước ở nửa cuối năm 2023, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém khả quan.

Thị trường chứng khoán tăng mạnh trong phiên cùng với thanh khoản cao, cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, rủi ro giảm điểm vẫn nguyên vẹn quanh ngưỡng kháng cự quan trọng 1.240-1.250 điểm, vùng đỉnh cũ trong quý 2/2022. Do đó, nhà đầu tư nên giữ vị thế mua và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo.

Tiếp tục đà tăng

Chứng khoán Yuanta (FSC)

Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà tăng hướng về vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên xu hướng ngắn hạn hiện tại vẫn đang rõ ràng, nhưng dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho nên thị trường có thể sẽ khó điều chỉnh kéo dài. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn chưa ở giai đoạn lạc quan thái quá cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.