Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 13/19 ngành tăng điểm, trong đó tài nguyên cơ bản là ngành có mức tăng mạnh nhất. Dự báo trong những phiên tới thị trường có thể giằng co quanh ngưỡng 1.020-1.040 điểm…
Chứng khoán ngày 21/3, chịu ảnh hưởng từ giảm điểm mạnh hôm qua, VN-Index diễn biến kém tích cực trong phiên sáng và điều chỉnh về vùng giá quanh 1.020 điểm với thanh khoản suy giảm do tâm lý kém lạc quan của nhà đầu tư. Tuy nhiên thị trường bắt đầu cải thiện tích cực dần trong phiên chiều và kết phiên tăng 9,33 điểm (0,91%) lên mức 1.032,43 điểm, lấy lại 1/2 điểm số giảm điểm phiên trước.
Mức độ phục hồi ở nhiều mã kém thể hiện qua độ rộng của VN-Index với 279 mã tăng điểm (4 mã tăng trần), 109 mã giảm điểm (6 mã giảm sàn). HNX-Index tăng 1,49 điểm (0,74%) lên mức 203,11 điểm với 104 mã tăng điểm (11 mã tăng trần), 55 mã tăng điểm (8 mã giảm sàn).
Thanh khoản HOSE và HNX đạt 9.114,14 tỷ đồng, giảm 14% so với phiên trước và thấp mức thanh khoản trung bình do nhà đầu tư vẫn ngại rủi ro và mức độ phân hóa không đồng đều giữa các mã cổ phiếu sau áp lực giảm điểm,. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại trên HOSE với 119,58 tỷ đồng, duy trì mua ròng ở HNX với giá trị 7,19 tỷ đồng.
Mặc dù VN-Index có những biến động kém tích cực trong những phiên gần đây, tuy nhiên vẫn có nhiều mã nổi bật có thị giá vượt vùng giá đỉnh cũ gần nhất, tăng giá tốt như KSB (+6,96%), VPB (+3,3%)... ngoài ra nhiều mã phục hồi tốt trong nhóm bất động sản như VHM (+6,70%), DXG (+4,05%).. Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính nhiều mã cũng có diễn biến khá tích cực, mức độ phục hồi mạnh như CTS (+5,58%), VCI (4,64%), FTS (+4,52%), VND (+3,14%)...
Trong khi đó nhóm cổ phiếu bán lẻ phục hồi yếu sau phiên giảm mạnh hôm qua với thanh khoản suy giảm như FRT (+1,36%), MWG (+1,05%), MSN tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh khi giảm 1,72% với khối lượng giao dịch ở mức cao.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoại trừ VPB (+3,3%) tăng vượt vùng giá đỉnh cũ tháng 01/2023 thì phân hóa, phục hồi với thanh khoản dưới trung bình như VCB (+1,65%), STB (+1,65%), CTG (+1,07%), một số mã vẫn giảm như HDB (-2,25%), EIB (-1,07%)...
Chỉ nên tập trung vào mã đang ở sát vùng đáy
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chứng khoán ngày hôm nay, xu thế của thị trường là đi ngang nên khuyến nghị nhà đầu tư vẫn là swingtrade khi mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 hay tháng 1 và bán trong các phiên hưng phấn khi tăng điểm với thanh khoản không cải thiện.
Với việc ghi nhận một phiên phục hồi ngắn như hôm nay, nếu mua mới thì nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào các mã đang ở sát vùng đáy tháng 2 và chưa ghi nhận hồi phục mạnh mẽ khi một phiên hôm nay chưa đủ để kết luận đã điều chỉnh xong trong nhịp giảm trở lại vừa qua.
Sẽ còn gặp nhiều khó khăn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chứng khoán ngày 21/3, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến dạng hammer cho thấy lực cầu bắt đáy xuất hiện ở vùng hỗ trợ quanh 1.015. Xét về khung đồ thị ngày, tuy các chỉ báo đều đã bật nảy hướng lên tạo đáy thứ nhất những vẫn chưa thể khẳng định VN-Index có thể lấy lại ngay được điểm cân bằng trong 1 phiên tăng điểm.
Ở khung đồ thị ngày, đường trung bình động MA20 vẫn đang hướng xuống, cùng với việc đường Senkou pan A đang dần cắt xuống đường Senkou pan B, tạo ra mây đỏ dày phía trên báo hiệu cho việc VN-Index sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tới.
Khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn cần giữ tư duy phòng thủ chắc chắn trong giai đoạn này, tiếp tục giữ tỷ trọng tài khoản ở mức an toàn từ 20 – 40% và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm ở các vùng hỗ trợ.
Trải qua các nhịp rung lắc
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chứng khoán ngày 21/3, sau khi trải qua một nhịp giảm điểm giằng co trong phiên, VN-Index dần hồi phục mà mở rộng đà tăng điểm đến cuối phiên. Lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp cho chỉ số có một phiên hồi phục đầu tiên sau một nhịp giảm sâu.
Mặc dù vậy, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc trong phiên chứng khoán ngày tiếp theo trước khi thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn với ngưỡng hỗ gần được đặt quanh 1.015-1.020.
Khuyến nghị các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng trading khi giá của các cổ phiếu mục tiêu về quanh ngưỡng hỗ trợ.
Giằng co quanh ngưỡng 1.020-1.040 điểm
Chứng khoán BIDV (BSC)
Chứng khoán ngày 21/3, mở cửa bật tăng, tuy nhiên VN-Index bị cản lại tại ngưỡng 1.030. Thị trường sau đó giảm điểm cho đến khi kết thúc phiên sáng. Sang đến phiên chiều, thị trường bỗng lội dòng tăng điểm mạnh mẽ và kết phiên tại mốc 1.032,43 điểm, tăng hơn 9 điểm so với phiên hôm qua.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 13/19 ngành tăng điểm, trong đó tài nguyên cơ bản là ngành có mức tăng mạnh nhất.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Dự báo trong những phiên tới thị trường có thể giằng co quanh ngưỡng 1.020-1.040.
Tiếp tục các nỗ lực tăng điểm
Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Chứng khoán ngày 21/3, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của những VN-Index, VN30, HNX-Index, VNMidcap và VNSmallcap đều duy trì ở trạng thái tiêu cực. Sự chưa quyết liệt của lực mua đang là yếu tố thiếu chắc chắn của phiên tăng điểm hôm nay.
Dự báo trong phiên chứng khoán ngày ngày mai, thị trường có thể sẽ tiếp tục các nỗ lực tăng điểm trong phiên sáng để chỉ số VN-Index kiểm định ngưỡng kháng cự ngắn hạn tại 1.038 điểm, tạo bởi đường EMA10 ngày.
Nếu lực cầu không có thêm sự cải thiện giúp thanh khoản thị trường gia tăng trong các nhịp tăng giá, nhiều khả năng lực bán được thúc đẩy từ kháng cự sẽ chiếm ưu thế trở lại, khiến cho VN-Index thu hẹp đà tăng, thậm chí đảo chiều giảm về phía cuối ngày.
Khi đó, chỉ số có thể sẽ cần kiểm định lại vùng hỗ trợ tại 1.020 điểm. Ngược lại, nếu lực mua gia tăng mạnh giúp VN-Index đóng cửa trên mốc 1.038 điểm, chỉ số có thể quay trở lại vùng 1.055-1.065 điểm một lần nữa.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được ThuonggiaOnline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.