Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức 1.030 điểm và rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho thấy đà giảm ngắn hạn có thể sẽ còn tiếp diễn với vùng hỗ trợ kế tiếp là 980 – 1.000 điểm…
Chứng khoán ngày 27/2, thị trường có phiên giảm thứ 5 liên tiếp với mức giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 18,31 điểm (-1,76%) xuống 1.021,25 điểm; HNX-Index giảm 4,06 điểm (-1,96%) xuống 203,27 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 657 mã giảm và 198 mã tăng. Sắc đỏ cũng áp đảo trong nhóm VN30 (-1,84%) với 27 mã giảm, 2 mã tăng và 1 mã tham chiếu.
Thanh khoản ghi nhận ở mức thấp hơn trung bình của 20 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 589 triệu đơn vị, với giá trị 9,3 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt 69,7 triệu đơn vị, với giá trị 1 ngàn tỷ đồng.
Nhìn chung trong phiên giao dịch chiều, diễn biến của VN-Index vẫn không có nhiều khởi sắc, chỉ số có nhịp phục hồi nhẹ nhưng không đáng kể khi bên bán tiếp tục tạo áp lực, trong khi lực cầu bắt đáy vẫn thận trọng đứng ngoài. Kết phiên, MSN (-7%) lấy đi 2,142 điểm, GAS (-2,3%) lấy đi 1,2 điểm, HPG (-3,4%) lấy đi 1,021 điểm của chỉ số.
Ngược lại, VJC (+2,4%), VNM (+0,7%) và PGV (+1,1%) là những mã tác động tích cực nhất lên chỉ số nhưng không đáng kể.
Trong rổ VN30, MSN đóng cửa giảm sàn ở mức giá 79.900 đồng; NVL tiếp tục mò đáy mới với mức giảm 5,7%, đóng cửa ở mức 10.750 đồng; SSI, MWG, HDB, HPG và PDR giảm trên 3%. Ở chiều tăng, VJC và VNM ghi nhận sắc xanh lần lượt 2,4% và 0,7% cùng thanh khoản có sự sụt giảm.
HNX-Index cũng có chung xu hướng trước diễn biến tiêu cực của các mã KSF (-9,1%), IDC (-3,5%), CEO (-6,2%), NVB (-2,8%)…
Sắc đỏ lan rộng đến các nhóm ngành của thị trường trong phiên đầu tuần. Trong đó, nhóm ngành chế biến thủy sản và chứng khoán ghi nhận phiên điều chỉnh sâu. Cụ thể, nhóm chế biến thủy sản xuất hiện nhiều mã giảm sâu như ABT (-7%), ANV (-6,9%), IDI (-6,4%), VHC (-6%). Nhóm chứng khoán cũng giảm khá mạnh như CTS (-6,2%), HCM (-5,2%), MBS (-5,2%), VND (-4,3%)…
Bên cạnh đó, nhiều nhóm ngành như khai khoáng, ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng… cũng ghi nhận diễn biến kém tích cực.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục gia tăng giá trị bán ròng. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 658,15 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã FUEVFVND (168,4 tỷ) và VHM (76,1 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ 203,62 triệu đồng, trong đó IDC được mua ròng nhiều nhất (2,9 tỷ đồng).
Sẽ có một nhịp hồi phục ngắn
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Chứng khoán ngày hôm nay, VN-Index tiếp tục mở đầu tuần mới với cây nến giảm điểm đi kèm tạo gap giảm và đóng cửa thấp hơn vùng cân bằng tuần trước đó, duy trì tín hiệu tiêu cực. Việc giảm điểm trở lại đi kèm với thanh khoản gia tăng là một tín hiệu không tích cực tại thời điểm hiện tại.
Hiện tại, chỉ số đang tiệm cận với vùng tích lũy cuối tháng 12 ở quanh khu vực 990 – 1.010 điểm và kỳ vọng sẽ có một nhịp hồi phục ngắn trở lại. Nhịp hồi phục này vẫn chỉ là cơ hội giảm tỷ trọng đối với hàng đang có sẵn.
Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là giảm điểm. Nhà đầu tư hiện tại không nên mua mới và quan sát kỹ vùng tích lũy cuối tháng 12 ở quanh khu vực 990 – 1.010 điểm.
Hạn chế giải ngân bắt đáy sớm
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chứng khoán ngày 27/2, VN-Index tiếp tục kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm. Các chỉ báo ở cả khung đồ thị ngày và giờ vẫn đang cho tín hiệu tiêu cực thể hiện lực bán vẫn chưa thật sự chững lại.
2 chỉ báo MACD và RSI tại khung đồ thị giờ tuy đã có dấu hiệu tạo đáy đầu tiên nhưng việc ADX và DI- đã dâng lên cao cho thấy VN-Index có thể sẽ xuất hiện sự rung lắc, bật nảy nhưng vẫn chưa thể thoát được khỏi nhịp điều chỉnh và tạo điểm cân bằng ngay trong các phiên chứng khoán ngày tới.
Khuyến nghị các nhà đầu tư, tiếp tục kiên nhẫn, đưa tỷ lệ tài khoản về mức an toàn và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm.
Vùng hỗ trợ kế tiếp đặt quanh 1.010 điểm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index tiếp tục trải qua một nhịp giảm điểm giằng co với biên độ mở rộng. Áp lực bán chủ động gia tăng về cuối phiên khiến cho chỉ số đánh mất điểm đỡ gần quanh 103x, hiện đã đảo vai trò là vùng kháng cự gần.
Với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co với vùng hỗ trợ kế tiếp được đặt quanh 1.010 (+-5) trong phiên chứng khoán ngày tới.
Khuyến nghị nhà đầu tư bán hạ vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và đưa tỷ trọng về mức an toàn.
Mốc 1.000 điểm có thể là điểm tựa
Chứng khoán MB (MBS)
Chứng khoán ngày 27/2, thị trường giảm liền 5 phiên và để mất 6,76% giá trị, trong khi đó nhóm cổ phiếu VN30 và Midcap giảm nhiều hơn khi lần lượt sụt 8% và 9,2%, riêng nhóm cổ phiếu smallcap sụt 5,89% nhờ dòng tiền vẫn hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Thị trường chung điều chỉnh bình thường trong ngắn hạn tuy vậy nhiều nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn, tập trung ở nhóm Midcap và VN30. Có nghĩa là nhiều cổ phiếu đã và đang giảm về vùng hỗ trợ, trong khi chỉ số VN-Index chưa về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm như kỳ vọng của nhà đầu tư hiện nay.
Về kỹ thuật, phản ứng ở mốc 1.000 điểm có thể là điểm tựa cho thị trường trong các phiên chứng khoán ngày tới, nhiều khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi khi retest ngưỡng hỗ trợ này. Nhà đầu tư có thể chú ý các nhóm cổ phiếu như: đầu tư công, dầu khí, sản xuất điện,… để cơ cấu hoặc bắt đáy cho danh mục..
Đà giảm ngắn hạn còn tiếp diễn
Chứng khoán Yuanta (FSC)
Dự báo chứng khoán ngày tới, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng quá bán. Đồng thời, chỉ số VN-Index xuyên thủng mức 1.030 điểm và rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho thấy đà giảm ngắn hạn có thể sẽ còn tiếp diễn với vùng hỗ trợ kế tiếp là 980 – 1.000 điểm.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với xu hướng hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua mới trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 980 – 1.000 điểm.