Theo nghiên cứu của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, nhu cầu bên ngoài suy giảm ảnh hưởng xấu tới ngành xuất khẩu của Việt Nam…
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2023 đến 15/4/2023 và cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 đạt 26,08 tỷ USD, giảm 15,3% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2023.
Xuất khẩu giảm
Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 năm 2023 đạt 13,24 tỷ USD, giảm 19,2% so với kỳ 2 tháng 3/2023.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2023 ở một số nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 672 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện giảm 565 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 434 triệu USD, sắt thép các loại giảm 230 triệu USD, hàng dệt may giảm 211 triệu USD...
Như vậy, tính đến hết 15/4/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 92,5 tỷ USD, giảm 12,1% tương ứng giảm 12,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm như điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,71 tỷ USD, hàng dệt may giảm 1,84 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,45 tỷ USD, giày dép giảm 1,05 tỷ USD... so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có FDI trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 9,56 tỷ USD, giảm 20,5% so với kỳ 2 tháng 3/2023. Tính đến hết ngày 15/4/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 68,6 tỷ USD, giảm 11%, so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 12,84 tỷ USD, giảm 10,9% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2023. Tính đến hết 15/4/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 87,24 tỷ USD, giảm 17,1% (tương ứng giảm 17,97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,28 tỷ USD, giảm 8,6% so với kỳ 2 tháng 3/2023. Tính đến hết ngày 15/4/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 56,96 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Nhiều tác động bất lợi
Tình hình xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, theo nghiên cứu của VIS Rating, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện khối doanh nghiệp có vốn FDI chiếm hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn đóng góp 25% giá trị.
Công ty này cho rằng doanh nghiệp FDI có khả năng phục hồi tốt hơn doanh nghiệp trong nước nhờ vào quy mô vốn lớn và khả năng duy trì biên lãi gộp ổn định. Tính trung bình vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp FDI là 105 tỉ đồng cao hơn rất nhiều so với mức 16 tỷ đồng của doanh nghiệp Việt Nam.
Quảng cáo
Nhìn chung doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế kinh doanh hơn doanh nghiệp trong nước về ứng dụng công nghệ mới, cắt giảm chi phí nhờ quy mô sản xuất lớn, năng suất cao hơn, sự hỗ trợ từ công ty mẹ nước ngoài về mạng lưới quan hệ và thị trường.
Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu vẫn còn yếu trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất ổn vĩ mô và các ngân hàng trung ương đang theo đuổi mục tiêu chống lạm phát. Do đó mảng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ còn suy giảm trong cả năm nay. Điều này dẫn tới sự sụt giảm về dòng tiền vào, các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp hoạt động và tối ưu hóa chi phí để duy trì kinh doanh.
Cho nên, xuất khẩu sụt giảm kéo dài sẽ còn tác động tới dòng tiền và khả năng hoạt động của các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị ví dụ như doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào và dịch vụ vận tải kho vận.
Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, rủi ro đối với ngân hàng là nằm trong tầm kiểm soát do tỷ lệ cho vay trực tiếp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khá nhỏ.
“Ước tính tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ xuất khẩu chiếm khoảng 3% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng và chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn có tài sản đảm bảo”, VIS Rating cho biết.
Phần lớn khối doanh nghiệp FDI thường dựa vào nguồn tài chính từ công ty mẹ ở nước ngoài. Do đó, tỉ lệ ngân hàng thương mại trực tiếp cho vay đối với người lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu là không đáng kể.
Còn nền kinh tế, ngoài tác động trực tiếp từ suy giảm xuất khẩu, môi trường kinh tế bên ngoài suy yếu còn gây ra rủi ro tiềm tàng cho Việt Nam trên nhiều khía cạnh, bao gồm cán cân thanh toán, dòng tiền đầu tư tài chính và sự ổn định của đồng Việt Nam, vốn đầu tư FDI giải ngân mới, sự ổn định của thị trường lao động và tiêu dùng nội địa.
Song, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt những chính sách kích thích nền kinh tế, bao gồm giãn thời hạn nộp thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đề xuất cắt giảm VAT từ 10% xuống 8% trong năm 2023, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội và các ngành ưu tiên. Những chính sách thúc đẩy chi tiêu chính phủ, đầu tư công, giảm lãi suất vay vốn cho các nhóm ngành gặp khó khăn sẽ là chìa khóa giúp nền kinh tế vượt qua năm 2023.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 với tổng giá trị giải ngân lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng, tăng 140 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022. Giải ngân đầu tư công đã không đạt kế hoạch đặt ra trong 5 năm gần đây và có xu hướng tiếp tục chậm trong quý 1 năm nay.
Bộ Tài chính đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thời hạn nộp thuế và kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa như đề xuất cắt giảm 2% VAT tương đương với 1.5 tỷ USD sẽ trực tiếp hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong năm nay.
Mặc dù nhóm ngành xuất khẩu là một trong 5 nhóm ngành của gói tín dụng ưu tiên từ vài năm qua, nhưng tổng dư nợ phục vụ xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 330 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các nhóm ngành khác ví dụ như bất động sản.
Dựa trên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% năm nay, VIS Rating ước tính tổng dư nợ tín dụng tăng thêm trong năm nay còn tới 1,4 triệu tỷ đồng cho ba quý còn lại trong năm.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho việc phát triển các dự án nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi. Gói tín dụng này là một phần trong cả chương trình tín dụng ưu đãi 382 nghìn tỷ đồng tương đương với 15.98 tỷ USD bắt đầu triển khai trong tháng 3 nhằm giảm mặt bằng lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp.