Dữ liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2023 đã giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm đều giảm đáng kể.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã lao dốc trở lại trong những gần đây. (Đồ hoạ: Reuters)
Dữ liệu mới được Chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2023 giảm tới 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia cũng như mức giảm 7,5% được ghi nhận trong tháng 5 trước đó. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong 3 năm trở lại đây - thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6 của nước này cũng giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước; con số này cũng cao hơn đáng kể so với dự báo được đưa ra cũng như mức giảm 4,5% của tháng 5 trước đó.
Hoạt động xuất nhập khẩu kém tích cực đang ngày càng củng cố lo ngại đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai đã chậm lại, thậm chí đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Hoạt động xuất khẩu hiện đóng góp khoảng 20% tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc.
Dữ liệu cho thấy, trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất trong số các nước/khu vực đối tác thương mại lớn của nước này. Nguyên nhân chủ yếu do sức mua tại Hoa Kỳ yếu, căng thẳng địa chính trị gia tăng, cũng như các vấn đề về cạnh tranh giữa hai nước. Tương tự, xuất khẩu sang khu vực ASEAN giảm 17% so với hồi tháng 6/2022.
Xem thêm bài viết: "Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp lên cao kỷ lục" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giới quan sát nhận định nhu cầu hàng hoá yếu trên quy mô toàn cầu sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm và chạm đáy vào cuối năm nay. Điều này sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với nhiều thách thức hơn, trong bối cảnh sản lượng sản xuất có dấu hiệu chậm lại, giá sản xuất lại giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm qua, cùng với đó là nhu cầu toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi.
Các dữ liệu kinh tế kém tích cực đang gia tăng áp lực buộc Chính phủ Trung Quốc sớm có các biện pháp kích thích kinh tế “mạnh tay” hơn. Chính phủ Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức thận trọng, khoảng 5% sau khi nước này không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm ngoái.