Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý và theo dõi chặt chẽ bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây đánh giá, các khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội.
Trong đó, lạm phát có thể tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè.
Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ…
Do đó, ông Dũng đánh giá, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, cần theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, khẳng định quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Cẩn thận với lạm phát trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng là khuyến nghị của nhiều chuyên gia, tổ chức dành cho Việt Nam.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lưu ý rằng, mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt lạm phát chi phí đẩy.
Nguyên nhân là bởi giá một số nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu có xu hướng tăng do VND giảm giá khoảng 5% từ đầu năm thời điểm tháng 4.
Bên cạnh đó, lãi suất đang có xu hướng đi lên có thể làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy giá cả hàng hóa tăng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, việc tăng lương cơ bản cũng như lương tối thiểu vùng từ tháng 7 tới vừa góp phần làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát kỳ vọng do tâm lý tăng giá bán theo tăng lương.
Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng do xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn cao và tài chính tiền tệ ở Việt Nam được nới lỏng.
Đồng quan điểm, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, lưu ý mặc dù lạm phát hiện vẫn dưới mức trần, các rủi ro tăng lạm phát vẫn còn đó.
Một phần là do lạm phát giá gạo vẫn dao động ở mức hai con số, cho thấy tác động của giá gạo thế giới lên giá gạo trong nước ngay cả đối với một nước xuất khẩu gạo như Việt Nam.
Trong khi đó, mặc dù lạm phát năng lượng đã thuyên giảm nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cuối tháng 4 cũng đánh giá, áp lực lạm phát năm nay dự báo cao hơn năm ngoái do cả yếu tố chi phí đẩy (như tăng lương) và yếu tố cầu kéo (cung tiền và vòng quay tiền dự báo tăng cao hơn năm 2023 cùng với đà phục hồi của nền kinh tế).
Dù vậy, nhóm nghiên cứu lạc quan rằng, lạm phát năm nay sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng quan ngại với dự báo ở mức 3,4 – 3,8% theo kịch bản cơ sở.
Kết quả này là nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát, bao gồm giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, giá dầu dự báo ở mức tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2023, cung tiền tăng song vòng quay tiền còn chậm, tỷ giá sẽ ổn định hơn và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn.
Giá xăng dầu giảm mạnh giữ lạm phát tháng 5 ở mức thấp
Hoàng Linh